Những kiêng cữ “nghiêm ngặt” trong dựng nhà rông của người Ba Na

Ngọc Tấn Thứ năm, ngày 21/08/2014 16:05 PM (GMT+7)
Nói đến biểu tượng văn hóa của đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Ba Na nói riêng không thể không nói đến nhà rông.
Bình luận 0

Nhà rông được coi là trái tim của mỗi buôn làng, là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại; các lễ nghi tín ngưỡng. Với vai trò đó, lễ thức xây dựng nhà rông được quy ước rất nghiêm ngặt…

Phong tục xưa khi tạo lập làng mới thì trong vòng một năm phải có nhà rông. Nếu vì một lý do nào đó chưa thể làm được nhà rông lớn thì phải làm nhà rông tạm… Trước khi xây dựng nhà rông phải làm lễ chọn đất. Chủ làng là người thân hành làm lễ cúng xin các Yang cho phép dựng nhà rông rồi bỏ lên nền đất 7 hạt gạo. Nếu sáng mai các hạt gạo còn nguyên là các Yang ưng ý; mất một hạt thì phải tìm vị trí khác…

Trước ngày đàn ông đi khai thác vật liệu làm nhà rông, cả làng phải kiêng cữ liền 3 ngày. Không ai được đi làm rẫy, không được giặt quần áo, không được lấy thóc trên kho xuống, không được ra khỏi làng và không cho người lạ vào làng… Trên đường đi khai thác vật liệu, nếu thấy chim lang (bồ chao) kêu phía trước hoặc hai bên, hoặc nghe tiếng mang tác, rắn bò qua đường, cành cây rơi trước mặt… thì đó là những điềm xấu, phải quay về chờ hôm sau mới đi. Chọn gỗ cho nhà rông, nếu là cây có dây leo quấn quanh hoặc mọc sít vào nhau; gà rừng tới đậu, có tổ ong, tổ kiến bám vào… đều là những điều kiêng, tuyệt đối không được chặt…

Thời gian hoàn thành nhà rông không được quá một tuần. Ngày thứ nhất là ngày dựng cột, làm sàn. Việc khởi công phải được tiến hành trước lúc mặt trời mọc. Cột chính tượng trưng cho thần làng được dựng trước. Khi hạ cột, chủ làng sẽ bỏ xuống hố một con gà. Khi cột được chỉnh ngay ngắn, chủ làng khấn Yang rồi lấy nước đổ vào chân cột, ngụ ý cầu cho dân làng luôn sống hòa thuận, hạnh phúc…

img Nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. (Nguồn ảnh: Báo Ninh Thuận)

 

Sau khi hoàn thành dứt điểm công việc ngày thứ nhất, từ ngày thứ 2 mới chuyển sang các công việc lần lượt như lợp mái, thưng vách, làm sàn, cầu thang lên xuống, trang trí nội thất và đặt bếp… Nhà rông hoàn tất, lễ cúng nhà rông phải được tiến hành ngay trong ngày liền kề. Lễ đâm trâu sẽ được tổ chức như một điều kiện bắt buộc… Là lễ hội lớn của làng, dù ai đi đâu xa, dù bắt vợ, bắt chồng ở làng khác cũng phải về dự để được hưởng sự cộng cảm của cộng đồng. Dịp này nếu là khách phương xa hoặc các làng lân cận đến dự, đồng bào sẽ rất lấy làm hãnh diện và vui mừng…

Đúng nghĩa là “trái tim” của mỗi buôn làng – và trong trái tim ấy là cả một thế giới tâm linh – điều này cắt nghĩa vì sao các “nhà rông văn hóa” được xây dựng một cách tùy tiện hiện nay hoặc bị bỏ hoang hoặc bị đồng bào thờ ơ trong việc tổ chức lễ hội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem