Nhung nhớ cây bần trên sông quê

Bài, ảnh: Hoàng Lê Thứ tư, ngày 14/01/2015 08:44 AM (GMT+7)
Bần là loại cây rừng thường sinh sống ở ven sông và trổ bông rất đẹp, tỏa ngát hương thơm. Ngắm bần đang mùa hoa nở thật thích thú vô cùng, một vùng hoa đầy ắp cả mé sông quê.
Bình luận 0
Do mọc ở mé sông và không lấy gỗ để đóng đồ, cũng không lấy trái để mua bán nên cây bần không mấy khi được con người quan tâm. Nhưng không vì vậy mà bần mất đi sức sống, nó vẫn hiên ngang sừng sững, tạo dáng tròn xoe tỏa bóng, như chính tâm hồn luôn rộng mở của bà con trong làng.

Dù không mang lại giá trị kinh tế như các loài cây khác nhưng đối với những người dân Vũng Liêm, Vĩnh Long quê tôi, bần có ý nghĩa lớn lao vô cùng. Trái bần chín (còn gọi là “dốt dốt”) là 1 món ăn quen thuộc đối với lũ trẻ nghèo khó như chúng tôi trong những buổi trưa hè. Đặc biệt, hoa bần rất đẹp, tỏa ngát hương thơm; ngắm bần đang mùa hoa nở thật thích thú vô cùng, một vùng hoa đầy ắp cả mé sông quê.

Ngày ấy, chúng tôi thường tụ tập ở dưới bóng bần để tắm. Có đứa trèo thật cao trên ngọn bần rồi nhảy ùm xuống sông, vậy mà đứa nào đứa nấy cười vang thỏa thích. Từ trên ngọn bần, nhìn ra xa, chúng tôi thấy được cái chân trời xanh ngắt, bầu trời như sà thấp xuống cố nâng mặt đất dày hơn. Giờ tôi mới chợt nghĩ ra rằng, tất cả những điều mà chúng tôi thấy được khi ở trên cao chỉ là do chúng tôi cảm nhận được, rồi nói cho nhau nghe. Vậy mà những điều kì diệu mà chúng tôi vẽ ra khi chơi trên ngọn bần lại là 1 đề tài để chúng tôi xôn xao, bàn tán.
img
Cây bần bên mé sông.
Trái bần chín vẫn luôn có mặt trong các bữa ăn nghèo khó của chúng tôi, dùng để làm vị chua thay cho chanh, quất. Ngọt lành biết bao trong mẻ cá linh kho mà có trái bần chín, ăn với cơm nóng trong những ngày lụt lội. Đậm đà hơn nữa trong tô canh chua cá đồng nêm vị chua mát của trái bần quê. Mùi hương của bần chín hòa vào hương vị của cá linh, cá lóc mà đậm đà, ấm áp vô ngần.

Đối với những người làm nghề chài lưới trên sông, họ thường bơi xuồng tránh nắng dưới bóng bần để ngả lưng sau những lúc làm việc mệt nhọc. Đôi khi, hái ít “bần dốt” chấm với muối ớt xanh cay xé lưỡi mà kể cho nhau nghe chuyện làng, chuyện xóm thì vui vẻ biết nhường nào. Cây bần quê tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện thú vị của dân làng những khi rảnh rỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày đổi thay, phát triển; nhiều nhà sàn chen lấn nhau mọc tranh với đám bần xanh mượt. Diện tích của bần quê đang thu hẹp dần để nhường chỗ cho những đổi mới tốt đẹp của quê hương. Đâu đó cũng thấp thoáng 1 vài cây còn sót lại, tạo dáng khoan thai như những cánh tay tròn xoe, che mát cho dân làng.

Đối với tôi, cây bần quê ngày xưa vẫn còn nguyên giá trị, chỗ đứng của nó vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào trải qua bao miên trường thăm thẳm của thời gian. Mỗi lần có dịp về lại quê, tôi vẫn ra mé sông để hóng mát dưới bóng bần, lòng hồi tưởng lại những điều kì diệu mà chúng tôi đã từng cảm nhận được thưở ấu thơ. Những kỉ niệm với đám trẻ quê chúng tôi dưới tán bần ngày xưa sẽ mãi còn trong tiềm thức, mang theo chúng tôi trên khắp mọi nẻo đường.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem