Ninh Bình: Lợn chết la liệt sau khi công bố hết dịch, chuồng xơ xác

Hải Đăng Thứ ba, ngày 28/05/2019 09:30 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận thực tế của PV Dân Việt, ngay sau khi huyện Hoa Lư (Ninh Bình) công bố hết dịch tả lợn châu Phi ngày 8/4, thì đến nay dịch bệnh nguy hiểm này đã bùng phát mạnh trở lại và lây lan thêm ra 9 xã với hàng trăm hộ dân bị thiệt hại nặng.
Bình luận 0

img

Ông Giới thu dọn chuồng trại để nghỉ nuôi lợn sau khi "trắng tay" vì dịch tả lợn châu Phi.

Vào những ngày này, hai vợ chồng ông Hoàng Văn Sinh ở xã Ninh An, huyện Hoa Lư đang tập trung thu dọn, rắc vôi khử trùng chuồng trại để nghỉ nuôi lợn. Ông Sinh cho biết, ngày 23/5 vừa qua, thấy cán bộ thú y đến nhà báo đàn lợn của gia đình dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi và phải tiêu hủy, khiến 2 vợ chồng ông chết lặng.

"Lứa lợn này ăn khỏe, nhanh lớn, vợ chồng đang mừng thầm bảo sắp được khoản tiền lớn để trả nợ, vậy mà giờ mất cả rồi, chúng tôi đau xót lắm", ông Sinh nói.

Ông Sinh cho biết thêm, biết dịch bệnh tả này rất nguy hiểm nên bà con ở Ninh An cũng rất đề phòng. Đến đầu tháng 4 vừa qua, thấy địa phương công hết dịch nên mọi người cũng yên tâm, nào ngờ giờ dịch vẫn tấn công trở lại, làm cho người dân ở đây trở tay không kịp.

Bên cạnh xóm nhà ông Sinh, đàn lợn của gia đình ông Hoàng Đình Giới cũng mới bị dịch phải tiêu hủy hết, đồng nghĩa với việc nguồn thu chính của gia đình bị mất luôn.

"Mất lợn, mọi thứ bị đảo lộn, vợ chồng tôi bắt buộc phải tìm đi việc làm thuê nhưng giờ vẫn chưa biết làm gì để có tiền nuôi các con ăn học đại học", ông Giới ngậm ngùi.

img

 Ông Sinh bên chuồng trại bỏ trống, trắng vôi bột sau "bão"dịch.

Bà Trịnh Thị Phương - Trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Hoa Lư cho hay: Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở xã Ninh Khang vào đầu tháng 3/2019, ngay lập tức huyện đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt xử lý dập dịch thành công, đến 8/4 Hoa Lư đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, ngày 1/5 (khoảng 25 ngày sau ngày công bố) vừa qua, dịch tả đã tấn công trở lại và đến nay đã lan rộng lên đến 10/11 xã, thị trấn.

Tính đến thời điểm sáng ngày 27/5, toàn huyện đã tiêu hủy 1.782 con với trên 96 tấn lợn và khoảng 143 hộ bị thiệt hại, trong đó hộ có đàn lợn nhiều nhất phải tiêu hủy do dịch là khoảng 150 con.

"Mặc dù đã vào cuộc làm hết mình nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khống chế đợt dịch mới này", bà Phương nói.

Dù dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh, khó kiểm soát nhưng theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại các xã có phát hiện các ổ dịch cũ và mới ở Hoa Lư không hề thấy có chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, việc phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột cũng còn hạn chế, đa phần người dân bị thiệt hại phải tự túc mua vôi, thuốc khử trùng về tự xử lý chuồng trại.

Phân trần về việc này, bà Phương cho rằng: "Việc thiếu chốt kiểm dịch không phải do thiếu lực lượng mà hiện tại việc này ở huyện đã có thay đổi, thay vì lập chốt tại các thôn, xóm, xã như thời điểm trước thì giờ địa phương chuyển sang lập các chốt liên xã thôi".

img

Bà Phạm Thị Kim Dung, cán bộ thú y xã Ninh An trao đổi với PV Dân Việt về các trường hợp hộ gia đình nuôi lợn mới bị phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở địa phương.

Cùng với huyện Hoa Lư, hiện dịch tả lợn châu Phi cũng đang "càn quét" rất mạnh ở huyện Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn... Ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Yên Khánh cho biết, trong vòng 1 tuần nay, mỗi ngày ông nhận được 9-10 cuộc gọi từ các xã trong địa bàn của huyện thông báo về tình trạng lợn ốm, chết tại các hộ dân. Các cán bộ của Trạm đã trực tiếp xuống địa bàn hộ chăn nuôi, phối hợp với chính quyền sở tại để khám nghiệm, lập biên bản và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, xác định nguyên nhân lợn chết có phải do dịch tả lợn châu Phi hay không. 

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Khánh, đến ngày 23/5, trên địa bàn huyện đã có 18/19 xã công bố dịch tả lợn Châu Phi. "Vì số lượng cán bộ của Trạm mỏng nên chúng tôi phải đi làm từ sáng sớm cho đến tận tối khuya mới đáp ứng được yêu cầu công việc trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, vậy mà vẫn khó kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này", ông Toàn chia sẻ. 

Cũng theo ông Toàn, điều đáng báo động hơn là hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và gây hại tại các trang trại chăn nuôi lớn, khiến bà con rất lo lắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem