Nợ xấu bủa vây: Ngân hàng “đóng gói” tài sản đảm bảo rao bán, “lách luật” để đòi nợ?

N.Minh Chủ nhật, ngày 23/05/2021 10:59 AM (GMT+7)
Dù xuống nước đại hạ giá nhưng nhiều khoản nợ được ngân hàng rao bán vẫn ế. Trong bối cảnh áp lực nợ xấu dềnh lên, các ngân hàng phải “đóng gói” các tài sản đảm bảo để rao bán, thậm chí rao bán cả khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, có món chỉ vài triệu.
Bình luận 0

Đại hạ giá vẫn ế, ngân hàng rao bán nợ xấu theo gói

Mới đây, BIDV công bố bán tài sản đảm bảo nợ vay quá hạn của CTCP Tập đoàn Khải Vy với giá 1.015 tỷ đồng để thu hồi nợ.

Theo đó, các tài sản đảm bảo cho khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp này bao gồm: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM); gần 550 ha diện tích rừng trồng cây tại tỉnh Đắk Nông; 2 cụm nhà xưởng gần 18 ha tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định); 8,7 triệu cổ phiếu Tập đoàn Khải Vy nắm giữ tại CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang; máy móc thiết bị chế biến gỗ của doanh nghiệp và 6 xe ôtô.

Áp lực nợ xấu bủa vây: Ngân hàng “đóng gói” tài sản đảm bảo rao bán, “lách luật” để đòi nợ?   - Ảnh 1.

Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace "đại hạ giá" vẫn ế

Trong gói tài sản đảm bảo này, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace đã từng được BIDV rao bán nhiều lần kể từ năm 2019 và đại hạ giá những vẫn "ế".

Cụ thể, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace được rao bán với giá 356 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Mức giá này chỉ bằng 66% so với mức giá được BIDV rao bán cách đó 1 năm (cuối năm 2019).

Hiện giá đất trên đường Nguyễn Lương Bằng thuộc khu vực Phú Mỹ Hưng dao động từ 180-200 triệu đồng/m2, giá chào bán của Crystal Palace chỉ khoảng 130 triệu đồng/m2 (chưa tính giá trị của tòa nhà), thấp hơn giá thị trường nhưng vẫn chưa có người mua.

Đến nay, thay vì rao bán Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace này, BIDV đã "đóng gói" để bán kèm các tài sản đảm bảo khác để thu hồi nợ.

Trường hợp ngân hàng gộp hàng loạt các tài sản đảm bảo có giá trị lớn để rao bán đấu giá trọn gói như BIDV không phải là cá biệt.

Như tại DongABank, ngân hàng này gộp chung toàn bộ tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Xây dựng Thương mại Đặng Vinh để rao bán với giá khởi điểm 650 tỷ đồng.

Tổng khối tài sản này bao gồm 39 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 161.500 m2 và 63 công trình xây dựng đi liền…

Sacombank cũng đã gộp chung toàn bộ tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để phát mại, thu hồi nợ xấu. Tài sản đảm bảo được rao bán gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20.800 m2 tại dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất diện tích gần 12.700 m2 (quận 8, TP.HCM).

SCB mới đây thông báo sẽ tiếp tục rao bán một lần toàn bộ khoản nợ tại dự án chung cư Hưng Long (quận 7, TP.HCM) với những hạng mục chính là khu cao ốc 22 tầng, khu cao ốc 25 tầng và khu biệt thự 5 căn. Giá khởi điểm được rao bán là hơn 2.352 tỷ đồng.

Rao bán nợ vay tiêu dùng, có món chỉ vài triệu đồng

Không chỉ rao bán nợ xấu theo gói, trên thị trường còn xuất hiện các khoản nợ vay tiêu dùng, không có tài sản được rao bán được rao bán.

Đơn cử như tại VietinBank, ngân hàng này rao bán 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân; dư nợ cả gốc, phí và lãi mỗi khoản dao động từ gần 1,5 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng. Các khoản nợ đều không có tài sản bảo đảm. Tổng dư nợ cũng như giá khởi điểm của lô nợ là hơn 75,5 triệu đồng.

Số nợ này đã được trả bớt phần nào do ngay trước đó một tuần, tổng dư nợ và giá khởi điểm của số nợ này là hơn 83,1 triệu đồng.

Áp lực nợ xấu bủa vây: Ngân hàng “đóng gói” tài sản đảm bảo rao bán, “lách luật” để đòi nợ?   - Ảnh 3.

Thống báo bán nợ của ngân hàng

VietinBank cho biết sẽ bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả cùng lúc. Ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.

Trước đó, ngân hàng này cũng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm của 15 cá nhân khác với tổng dư nợ lên tới hơn 166 triệu đồng. Khoản nợ cao nhất lên tới hơn 44,3 triệu đồng.

Đằng sau việc bán nợ xấu theo gói và nợ vay tiêu dùng

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc gộp chung các các tài sản đảm bảo để bán, nhà băng mong muốn thu hồi nợ nhanh. 

Hình thức "đóng gói" các tài sản để xử lý những khoản nợ lớn để rao bán một lần cũng cho thấy thị trường bất động sản đã ấm lên và kỳ vọng sẽ tạo ra thanh khoản ở các giao dịch mua bán nợ. 

Áp lực nợ xấu bủa vây: Ngân hàng “đóng gói” tài sản đảm bảo rao bán, “lách luật” để đòi nợ?   - Ảnh 4.

Không loại trừ khả năng việc rao bán các khoản nợ trên chỉ là một cách "lách" của dịch vụ đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm.

Thống kê gần 30 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, tổng số dư nợ xấu nội bảng của các nhà băng này tính đến 31/3/2021 đã vượt ngưỡng 93 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), tương ứng mức tăng 5,3%.

Dù vậy, dưới góc nhìn của mình TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc nhưng nền kinh tế chưa thực sự hồi phục, tác động của dịch Covid-19 vẫn còn và dịch chưa biết khi nào mới chấm dứt. 

Vì vậy, không có chuyện doanh nghiệp đầu tư ồ ạt, mà sẽ lựa chọn kỹ càng khi tham gia mua/bán nợ xấu. Thực tế trong thời gian qua cũng cho thấy, các tài sản giá trị thấp, ở mức khoảng vài tỷ đồng thì thanh khoản tương đối cao. Những "gói" tài sản giá trị lớn sẽ không hề dễ rao bán thành công.

Hơn nữa, điều ông Hiếu lo ngại và đặt câu hỏi: ai sẽ mua và lấy tiền ở đâu để mua các tài sản đảm bảo nợ xấu bởi các khoản nợ "đóng gói" giá trị thường cao lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng – một con số không hề nhỏ đặt trong bối cảnh hiện nay.

Cũng không loại trừ việc các ngân hàng đang muốn bán nợ cho nhau (cả nợ xấu và nợ tốt). Thực tế việc bán nợ của các ngân hàng cho nhau ở các nước phát triển là không mới. Tại các quốc gia khác như Mỹ, khi một ngân hàng đã đạt trần cấp tín dụng, họ sẽ bán cả nợ xấu và nợ tốt cho ngân hàng nào cần tăng tín dụng.

Riêng đối các khoản nợ cho vay tiêu dùng được rao bán, theo luật sư Trương Thanh Đức, không ai tự dưng lại đi "rước nợ vào mình", mua một khoản nợ rồi đi đòi nó mà không được gì và không phải một cá nhân bình thường nào cũng có thể đi đòi nợ một người "lạ".

Vì vậy, không loại trừ khả năng việc rao bán các khoản nợ trên chỉ là một cách "lách" của dịch vụ đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực không giải thể mà chỉ chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hoá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem