Nỗi buồn sau niềm vui nhỏ mang tên "tăng lương"

Chân Tâm Thứ tư, ngày 12/11/2014 16:00 PM (GMT+7)
Qua các đợt tăng lương trước đây cho thấy, chỉ cần rục rịch tăng lương là giá đã tăng trước. Lương tăng không kịp giá là một “bi kịch” của cuộc sống mà chúng ta đang hứng chịu. 
Bình luận 0

Một chút đó, nhưng là cả một câu chuyện đau đầu, tìm đâu ra nguồn để tăng cho nhóm đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách. Nhiều cuộc họp của các ngành để bàn nát nước mới ra được con số thêm nhỏ nhoi như vậy. Ngân sách quốc gia bị thâm thủng vì nạn tham nhũng, lãng phí, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ... Nhưng ngân sách thâm thủng còn vì một lý do “chủ động” là phải trả lương cho bộ máy công chức đã quá lớn, trong đó có một bộ phận kém hiệu quả.

Một chút nho nhỏ, nhưng cũng là chuyện đau đầu đối với các doanh nghiệp. Trong giai đoạn làm ăn tương đối khó khăn, việc nhích thêm vài trăm ngàn đồng lương tối thiểu cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, để tồn tại sản xuất, đảm bảo công việc và tiền lương ổn định cho người lao động trong thời gian qua cũng đã bở hơi tai, nếu tăng thêm sẽ có không ít đơn vị chịu không xiết...

Từ 1.1.2015, lương tối thiểu tăng bình quân 250.000 – 400.000 đồng/tháng, đó là quyết định chính thức từ Chính phủ được công bố ngày 10.11. Đây là tin mừng cho người lao động, dù số tiền tăng thêm chỉ chút đỉnh mà thôi. Biết là vậy, nhưng người lao động cũng không thể sống với đồng lương còm cõi, cho nên không còn lựa chọn nào khác. Trong môi trường khắc nghiệt này, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp sức yếu sẽ vào cảnh khó khăn khi phải đối mặt với đợt tăng lương mới. Nhưng Chính phủ phải quyết định tăng lương. Bởi vì, người lao động sống khổ thì nhà máy mọc lên khắp cả nước cũng vô nghĩa.

Thế nhưng, liệu khoản tiền lương sắp tăng thêm đó có ý nghĩa với đời sống của người lao động không vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Bởi vì qua các đợt tăng lương trước đây cho thấy, chỉ cần rục rịch tăng lương là giá đã tăng trước. Lương tăng không kịp giá là một “bi kịch” của cuộc sống mà chúng ta đang hứng chịu. Một khi giá tăng, thì số tiền lương có thêm chỉ có giá trị về mặt tâm lý, còn thực chất thì hòa cả làng. Không khéo, có khi còn âm. Giá một bát phở hạng bét năm nay là 20.000 đồng, nhưng rất có thể trước tết đến sẽ lên 30.000 đồng. Sau tết, các loại hàng hóa, sản phẩm đã lên giá rồi sẽ rất khó xuống. Cho nên, nhiều người đang nghĩ là năm 2015, số lương được tăng phải chi ra một phần để bù cho bữa ăn sáng, khoản tiền còn lại đủ bù cho giá tăng thực phẩm bình thường như bó rau, lạng thịt, cân cá...

Một nghịch lý nữa, dù đầu năm tới lương tăng, nhưng cũng chưa chắc đã cải thiện được gì sức tiêu dùng. Lý do là vì những điều như đã phân tích trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem