Nông dân dạy nghề cho nông dân

Thứ năm, ngày 07/07/2011 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) có nghề truyền thống bật bông, dệt, may... Những năm gần đây nhờ thực hiện tốt dạy nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, hàng trăm gia đình đã giàu lên từ nghề này.
Bình luận 0

Về Mỹ Thắng, từ đầu xã đến cuối thôn, tiếng máy bật bông, máy dệt… rầm rập. Liên tục các chuyến xe tải chở bông, vải vụn, quần áo, chăn ga, gối đệm ra vào. Đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, càng khiến những ngôi nhà tầng thêm khang trang, sang trọng.

Lương tháng 2-3 triệu đồng/người

img

Ông Trần Xuân Hòa (phải) giới thiệu sản phẩm bông của xưởng mình.

Ông Trần Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: "Xã có 18 thôn, với 2.715 hộ (8.100 nhân khẩu), chỉ có 5,3% hộ nghèo. Có 260 hộ làm nghề may mặc, chăn ga, gối đệm… với 2.100 lao động tham gia, trong đó 400 lao động đã qua đào tạo. Doanh thu từ những nghề này khoảng 20 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 50% doanh thu của xã. Nhiều hộ trở thành tỷ phú, thành lập công ty và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động".

Ông Trần Công Tụ - Chủ tịch Hội ND xã cho biết, trước kia người dân trong xã chủ yếu làm nghề bật bông, làm chăn bông. Khoảng chục năm gần đây, làng nghề chuyển sang làm chăn ga, gối đệm và may mặc. Hộ có vốn mở cơ sở sản xuất. Hộ không có điều kiện, con em không học được lên cao, thì vào làm công nhân ở các cơ sở trong xã. Gần nhà, sáng đi tối về, ăn cơm nhà, không mất tiền thuê trọ, nên nhiều công nhân ẵm gọn từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Người giỏi dạy cho người chưa biết

img Cơ sở của tôi sản xuất bằng máy, các lao động tôi tuyển đều phải học. Mình biết thì dạy cho họ, họ biết nghề, giỏi nghề thì mình cũng được lợi. img

 

Ông Tụ cho biết: Toàn xã có 413ha đất nông nghiệp, trong đó 88ha nuôi trồng thủy sản. Năm 2010, xã mở 2 lớp dạy nuôi trồng thủy sản cho 200 người. Sau khi học nghề, hiện có khoảng 20 hộ nuôi trồng thuỷ sản với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Xã còn phối hợp với các công ty, cơ sở may, chăn ga, gối đệm dạy nghề cho bà con theo hình thức mở lớp tại cơ sở sản xuất nên trong thời gian học, nhiều học viên đã có thu nhập.

Ông Trần Xuân Hòa (xóm 8), chủ cơ sở bông sợi, một trong những nơi nhận đào tạo lao động, cho hay: "Cơ sở sơ chế bông của tôi rất cần lao động. Xã có nhiều người làm bông, nhưng làm thủ công. Nay sản xuất bằng máy, các lao động tôi tuyển đều phải học. Mình biết thì dạy cho họ, họ biết nghề, giỏi nghề thì mình cũng được lợi".

Cơ sở của ông Hòa có lãi 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động, với lương từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Văn Thái (xóm 7), người gắn bó với cơ sở của ông Hòa hơn chục năm nay, chia sẻ: "Gia đình tôi chỉ có 3 sào ruộng, nhưng thiếu vốn, may được ông Hòa dạy cho nghề. làm việc ở xưởng của ông Hoà, lương tháng của tôi 3-4 triệu đồng. Có tiền, tôi đầu tư nuôi lợn, gà nên kinh tế cũng tạm ổn".

Anh Trần Văn Hà (xóm 9), trước kia cũng hành nghề bật bông, nhận thấy nhu cầu thị trường chăn ga, gối đệm tiềm năng, anh đã chuyển sang nghề này. Theo anh, nghề này nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải khéo léo, khi nhận công nhân vào anh phải tự tay đào tạo bài bản. "Đến nay, có hàng chục người lành nghề từ cơ sở của tôi. Có người thì tách ra mở xưởng riêng, có người ở lại làm. Tôi không sợ cạnh tranh, thôn, xã nhiều nhà giàu lên, mình cũng thơm lây" - anh Hà vui vẻ nói.

Một trong những chủ trang trại trưởng thành từ lớp dạy nuôi trồng thủy sản do xã tổ chức là anh Trần Văn Hiền (thôn Kim) cho rằng, cần phải mở thêm nhiều lớp học nuôi trồng thủy sản nữa. Bởi điều kiện của xã rất phù hợp cho phát triển nghề này. "Tôi có gần 2ha ao, chủ yếu nuôi cá chép cảnh và ương cá giống là chính. Nuôi cá cảnh đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng thu nhập ổn hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem