Nông dân Nghĩa Đàn cùng làm giàu với TH true Milk

Bảo Trúc Thứ năm, ngày 21/07/2016 17:44 PM (GMT+7)
Sau nhiều năm không về vùng đất nắng gió Nghĩa Đàn (Nghệ An), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự đổi thay đến của vùng đất này. Ngoài dấu ấn đặc biệt của trang trại quy mô lớn nhất Châu Á, nhà máy chế biến sữa lớn nhất Đông Nam Á, còn toát lên sự trù phú, ấm no của những người dân nơi đây.
Bình luận 0

 “Cộng sinh” cùng TH true Milk

Những cánh đồng ngô, đậu tương và hoa hướng dương phủ xanh trên những ngọn đồi. Đường vào nhà ông Lý Hồng Dương ở thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm cũng không còn lầy lội như xưa. Chỉ tay ra cánh đồng ngô trước nhà ông kể, chưa bao giờ ông dám mơ có thể làm giàu từ đồi ngô này cả, mong đủ ăn là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng từ khi gia đình trồng ngô cây để bán cho trang trại TH, một năm trồng được 3 vụ, mỗi vụ thu hơn 45 tấn, với giá từ 1.000-1.200 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông về hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ có gia đình ông Dương, mà cuộc sống của bà con ở Nghĩa Lâm đã thay đổi từng ngày. Người dân nơi đây cho biết, số tiền được TH đền bù đất để làm trang trại thì gửi tiết kiệm, nhà nào ít cũng vài chục triệu, nhiều gia đình lên tới hàng trăm triệu song gần như không phải dùng đến số tiền tiết kiệm ấy, bởi tiền bán ngô cho công ty cũng đủ sống thoải mái.

img

Sản phẩm sữa của Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH vừa được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” 2016.

Bà Nhàn, một người dân xã Nghĩa Lâm cho biết, trước đây những mảnh đồi manh mún chỉ để hoang hóa bởi trồng cây gì cũng khó đầu ra: “Nhưng từ khi công ty TH thực hiện chính sách thu mua cây ngô tươi, thu hoạch đến đâu công ty cho người đến thu mua tận nơi, trả tiền nhanh gọn nên ai cũng phấn khởi. Riêng thôn Đông Lâm có gần 90 gia đình đang trồng ngô nguyên liệu để bán cho nhà máy TH đấy cô ạ” – bà Nhàn cho biết.

Trong năm 2016, TH có kế hoạch mua 80.000 tấn cây ngô tươi cho bà con nông dân quanh vùng, tới thời điểm này, công ty đã thu mua được hơn 46.000 tấn, mang lại doanh thu hơn 52 tỷ đồng cho nông dân. Nhớ lại những ngày đầu có dự án của công ty TH, bà Nhàn nói: “Thú thực lúc đầu chúng tôi cũng sợ sẽ thất nghiệp, bởi nông dân không còn đất thì biết lấy gì canh tác. Nhưng bây giờ thì chúng tôi yên tâm rồi, không chỉ trồng ngô bán cho công ty, con em còn được nhận vào làm công ty, nhờ đó kinh tế cũng khá hơn”.

Ông Ngô Huy Hân – Chánh văn phòng Công ty CP Thực phẩm sữa TH thẳng thắn chia sẻ: “Ngay từ khi triển khai Dự án, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT của TH đã khẳng định, tuy nông dân không phải là chủ trang trại, nhưng là “mắt xích” vô cùng quan trọng của chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao. Người nông dân sẽ cùng doanh nghiệp tham gia vùng nguyên liệu. Bằng chứng là mọi sản phẩm nông nghiệp của bà con ở đây đều được gieo trồng theo hướng dẫn và được bao tiêu toàn bộ đầu ra. Điều này, không chỉ giải quyết việc làm mà còn giúp họ thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.

Nông nghiệp công nghệ cao: Chìa khóa vàng phát triển!

Phó Tổng Giám đốc Công ty Agitech - thuộc tập đoàn TH, ông Nguyễn Lê Thăng người có mặt tại trang trại TH từ những ngày đầu. Anh cho biết, trang trại có trên 45.000 con bò, trong đó có 22.000 con đang cho sữa. Với tổng số đàn bò như vậy nên đòi hỏi một lượng thức ăn rất lớn, trang trại cần có nguồn thức ăn ổn định. Vì vậy, TH phải đầu tư đồng bộ mới chủ động và kiểm soát được thức ăn cho bò một cách tốt nhất: “Chúng tôi hỗ trợ nông dân trồng cùng một loại sản phẩm như TH đang trồng ở đây, sau đó thu mua cho bà con. Và một số nông dân giờ đây đã trở thành công nhân, làm chủ kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp rồi đấy” - ông Thăng chia sẻ.

Trên đồng đất của trang trại TH, các máy cày, xới, phá váng, những cánh tay tưới “khổng lồ” hiện đại nhất châu Âu đang ngày đêm vận hành. Trong trang trại, bò sữa được tắm, nghe nhạc và làm mát trước khi vắt sữa. Chân bò được đeo chíp-Perometer- con chíp quản lý đàn hiện đại nhất thế giới, toàn bộ thông tin về bò được truyền vào hộp nhận tín hiệu tại Trung tâm vắt sữa và cập nhật vào máy tính.

img

Thu hoạch nguyên liệu ngô tại trang trại của Tập đoàn TH Truemilk ở Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Ông Thăng cho biết thêm, nuôi bò sữa cần chú ý nhất là bệnh viêm vú. Nhờ con chip này, mà người nuôi có thể phát hiện bệnh viêm vú trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động “từ chối” vắt sữa đối với “cô bò” đó. Những con bò có lượng tế bào thân (tế bào soma) trong sữa cao cũng như bò đang điều trị kháng sinh, hệ thống tự nhận dạng và sẽ từ chối vắt sữa. Những con bò này sẽ được vắt sữa riêng và sữa này có thể được thanh trùng và sử dụng cho bê con ăn. Vì thế, có thể nói nông nghiệp công nghệ cao đã làm thay đổi toàn bộ cách làm nông nghiệp ở đây, đồng thời cho ra đời dòng sữa tươi đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 Giờ thì người dân đã hiểu hơn về câu chuyện mà bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH chia sẻ khi mới đưa dự án về Nghĩa Đàn. Bà vẫn đau đáu một điều về câu chuyện của những người nông dân ở Nghệ An trước đây đã mang bò đến tận UBND huyện để trả vì không biết bán sữa ở đâu.

“Chỉ có áp dụng nông nghiệp công nghệ cao thì mới đưa ngành nông nghiệp thoát khỏi sự bế tắc. Nhưng ứng dụng công nghệ cao trong ngành chăn nuôi bò sữa thì không thể giao bò cho từng hộ gia đình, nó không thể tạo nguồn sữa tinh khiết mà phải nuôi bò tập trung thì mới bảo vệ được dòng sữa trong quy trình hoàn hảo. Vì vậy, người nông dân tham gia vào vùng trồng nguyên liệu thì nhà máy sẽ giúp họ hoạch định được vụ này trồng cây gì, số lượng bao nhiêu. Tất cả được hợp đồng chặt chẽ, như vậy không còn tình trạng tự phát, ăn thừa, bán thiếu. Khi đã là mắt xích thì cũng có nghĩa người nông dân sẽ phải tuân thủ quy trình sản xuất” - Bà Thái Hương khẳng định.

 Những tính toán của bà Thái Hương đã đúng. Theo chính quyền huyện Nghĩa Đàn, tỷ lệ tham gia của nông dân trong công đoạn này đã đạt khoảng 40%. Nhìn những gương mặt rạng rỡ của bà con trên những ruộng ngô đang đông sữa, tôi hiểu rằng họ đang thực sự vươn lên nhờ “Dự án cùng nông dân làm giàu” mà TH khởi xướng.

Đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam cần phát triển công nghệ cao, nhưng công nghệ cao thì người dân không thể tự mày mò mà điều này cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Nếu sự kết hợp này trong một mô hình khép kín trọn vẹn sẽ tránh rủi ro cho người nông dân, nó giống như đi bằng 2 chân vậy. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta phải tính đến lợi ích, đến lợi nhuận cho bà con nông dân hơn là việc phân định rạch ròi ông chủ hay người làm thuê.

Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” của tập đoàn TH được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, thời gian hoàn thành dự án là vào năm 2020. Tới thời điểm này, Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn 500 triệu USD, tổng đàn bò là  hơn 45.000 con. Dự án khép kín đồng bộ từ đầu vào đến khâu phân phối với 3 công ty có các chức năng cụ thể, chuyên biệt: Công ty CP Thực phẩm sữa TH (Đơn vị quản lý vận hành trang trại chăn nuôi bò sữa TH); Công ty CP Sữa TH (Đơn vị vận hành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH, sử dụng công nghệ hàng đầu Châu Âu để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng đầu thế giới) và Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH (Đơn vị quản lý việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng)”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem