Nông sản Việt Nam lệ thuộc thị trường Trung Quốc: Nông sản Việt “đu trên dây”

Phụng Anh - Thanh Xuân Thứ ba, ngày 24/06/2014 07:22 AM (GMT+7)
LTS: Nhiều năm nay, thị trường Trung Quốc nhập tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, 70-75% cao su, 70% thanh long... Nhập nhiều như vậy nên Trung Quốc thỏa sức ép giá, dùng nhiều chiêu trò gây khó dễ với nông sản Việt Nam.
Bình luận 0

Để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc “sống chung” với thị trường đầy rủi ro này không có cách nào khác là phải thay đổi cung cách làm ăn, tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, mở rộng sang các thị trường khác...

Với dân số trên 1,4 tỷ, cộng với đường biên giới dài nên từ lâu Trung Quốc đã là “bạn hàng lớn” của nhiều loại nông sản Việt Nam. Lượng nhập lớn, cung cách mua bán dễ dãi, không hóa đơn chứng từ..., nông sản Việt ngày càng bị lệ thuộc lớn vào thị trường này.

Từ câu chuyện vải thiều

Theo Bộ NNPTNT, năm 2013, sản lượng vải cả nước đạt trên 300.000 tấn quả tươi, riêng tỉnh Bắc Giang, sản lượng đạt 140.000 tấn quả tươi, trong đó 60% lượng vải ở huyện Lục Ngạn được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trao đổi với NTNN, ông Trần Quang Tấn – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, giá vải thiều tại Lục Ngạn ngày 23.6 loại thấp nhất (dùng để sấy khô) là 7.000 đồng, cao nhất là 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với tuần trước. Hiện Bắc Giang đã tiêu thụ được 70.000 tấn, trong đó xuất sang Trung Quốc 23.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là nếu năm 2013, giá vải xuất khẩu của Lục Ngạn đạt trung bình 22.000 – 30.000 đồng/kg thì năm nay chỉ đạt 18.000 – 22.000 đồng/kg.

Trên thực tế, người tiêu dùng trong nước rất hiếm khi được ăn quả vải thiều loại ngon nhất, vì loại này đều được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao. “Tôi khẳng định loại vải đang bán giá 10.000 đồng/kg ở Hà Nội không phải vải thiều Lục Ngạn. Vải loại 1 thì chỉ có trong siêu thị lớn, còn lại hầu hết đưa xuất khẩu” - ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết.

Tuy nhiên, có một sự thật là vào thời điểm thu hoạch rộ như hiện nay, quả vải thiều cũng khó tiêu thụ. Tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn), nông dân chở vải đi bán chật kín đường quốc lộ, trong khi người mua thì ít, cộng với thời tiết nắng nóng, quả vải nhanh chóng bị xuống mã, và đây chính là cơ hội để các thương lái Trung Quốc tha hồ ép giá, không chấp nhận giá họ đưa ra thì nông dân chỉ có nước... mang về.

Lệ thuộc vì “quen” xuất tiểu ngạch

Theo Bộ NNPTNT, bình quân 3 năm gần đây, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta, trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sang nước này đạt 9,5 tỷ USD. Có tới gần 100% lượng sắn, 70 - 75% lượng cao su, 35 - 40% lượng gạo (nếu tính cả xuất tiểu ngạch thì khoảng 50%)... của nước ta được bán sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nước này còn tiêu thụ rất mạnh các sản phẩm gỗ, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản...

Theo các chuyên gia, việc nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều vào Trung Quốc là bởi thị trường này rất dễ tính, không yêu cầu cao về chất lượng, thủ tục lại nhanh gọn, vận chuyển gần (chủ yếu bằng đường bộ)... nên thương lái nước ta rất chuộng bán hàng sang thị trường này.

Anh Mười Sơn -thương lái chuyên thu mua gạo ở tỉnh Tiền Giang cho biết, 2 năm nay, anh mua gạo xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch “rất sướng”. Bởi nhu cầu thị trường này cao, không đòi hỏi quá nhiều về tiêu chuẩn, trong khi giá bán khá tốt. “Mặc dù xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc có nhiều rủi ro trong thanh toán, nhưng chúng tôi đã quen bán hàng kiểu này nên rất khó bỏ” – anh Sơn giải thích.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích nhấn mạnh, việc lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường là một điều cấm kỵ, bởi mọi biến động bất ngờ vì những lý do khách quan, bất khả kháng cũng sẽ gây ra những hậu quả khó lường, chứ chưa nói đến bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều phức tạp như hiện nay. Rõ ràng với kiểu làm ăn chộp giật, được chăng hay chớ, không có hóa đơn, không hợp đồng, không dự báo được nhu cầu của người mua… đã khiến nông sản Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào khách hàng Trung Quốc. Chỉ cần hôm nào vị khách này “trái tính”, ngừng nhập là nông sản Việt ùn ứ ở cửa khẩu tới mức hư thối phải vứt bỏ, giá thì bị ép tới tận cùng, như trường hợp dưa hấu, thanh long thời gian qua.

Ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, để mặt hàng vải thiều giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, năm nay huyện đã xúc tiến được đơn hàng sang 5 thị trường là Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia, Nga. Đặc biệt, Nhật Bản vừa nhập lô hàng 3.000 tấn vải tươi để thử nghiệm công nghệ bảo quản bằng tế bào (thời gian bảo quản tối đa 2 năm). Nếu thành công, tới đây chúng ta không chỉ tiêu thụ vải thiều thuận lợi ở Nhật, mà còn vươn ra các thị trường khác, cũng như bảo quản được quả vải trong thời gian dài, làm tăng giá trị cho người trồng.

Ông Lê Thanh Hải - Chủ nhiệm HTX Thanh long hữu cơ ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) than: “Chưa bao giờ giá thanh long ruột đỏ lại thấp tới mức này, chỉ còn 10.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá 30.000 – 40.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, khiến nông dân lỗ nặng. Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc sụt giảm vì tình hình căng thẳng trên Biển Đông, doanh nghiệp sợ bán hàng qua đó không đòi được tiền”.

Bộ NNPTNT cho biết, trong tháng 5, tình hình căng thẳng trên Biển Đông phần nào đã làm ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch thương mại tại một số cửa khẩu, tiến độ giao hàng chậm. Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 5 giảm khoảng 300 triệu USD so với tháng 4.2014.

Như vậy, có thể thấy, với việc quá phụ thuộc vào thị trường này thì nông sản Việt được ví như người đang đi trên dây. Việc này, bình thường đã rất nguy hiểm, nhưng nếu khi “có dông tố” thì mức độ nguy hiểm lại càng gấp bội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem