Nữ VĐV đấu kiếm và nhọc nhằn giữa đời thường

Thứ ba, ngày 25/01/2011 17:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau những năm tháng khổ luyện để mang vinh quang về cho Tổ quốc, các VĐV đấu kiếm phải đối diện với cuộc sống đời thường đầy khó khăn...
Bình luận 0

Kiếm thủ làm nhân viên bảo hiểm

Tại 3 kỳ SEA Games 22, 23, 24, Lệ Dung - Hoài Thu - Thuỷ Chung - Trịnh Thị Lý nổi như cồn khi làm mưa làm gió đường đấu kiếm chém nữ. Nhưng thời gian qua đi, đến nay, ít người còn nhớ tới những "nữ hiệp" ngày nào.

img
Từ trái qua: Hoài Thu, Thuỷ Chung, bà Khiêm (mẹ của Thu và Dung), Lệ Dung.

Ở vào tuổi 26, đáng ra đây là lúc mà họ đang sung sức, có thể cống hiến nhiều hơn cho thể thao nước nhà, nhưng vì nhiều lý do, "bộ tứ trâu vàng" đã phải lùi về phía hậu trường.

Cách đây gần hai năm, Hoài Thu gần như không biết làm gì để sống khi bị chấn thương. Tưởng đã gặp may khi xin được việc ở một cửa hàng vàng bạc với mức lương… 1 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi chị cũng không chịu nổi "nhiệt" vì phải đứng suốt ngày trong sự nhàm chán.

Khoảng thời gian sau đó, vừa theo học Trung cấp Tài chính, Thu vừa thử thêm những nghề khác: Làm văn phòng cho Công ty Dược, Trung tâm năng khiếu Trẻ thơ (Thanh Xuân, Hà Nội), và hiện vẫn đang cộng tác cho Bảo hiểm AIA: "Khi bắt đầu làm việc thì thấy rất hứng khởi vì mọi thứ đều mới mẻ so với cả chục năm chỉ biết làm bạn với thanh kiếm.

Nhưng về sau, dù cố gấp 2-3 lần những đồng nghiệp khác mà đôi khi vẫn không hoàn thành tốt công việc nên cũng nản lắm" -Thu chia sẻ. Vào tháng 7 tới, Thu sẽ học xong chương trình Trung cấp Tài chính, nhưng liệu có kiếm được một "chân" kế toán như hy vọng hay không lại là chuyện khác...

Nuốt nước mắt vào trong

Bà Khiêm - mẹ Hoài Thu và Lệ Dung tâm sự: "Biết đời VĐV bạc lắm nhưng vì con quá đam mê nên đành chiều theo. Đôi khi thấy con bị chấn thương, không nhấc nổi chân cũng xót lắm nhưng chỉ biết động viên thôi. Tôi mà buồn, có khi con còn khóc trước ấy chứ".

Đồng cảnh với người chị sinh đôi của mình, sau nửa năm nghỉ tập để lo học tại chức Đại học Ngoại thương, Lệ Dung thậm chí "ngứa chân ngứa tay" không chịu nổi nên đã quay lại đội tuyển đấu kiếm Hà Nội. Dung vừa tập luyện, làm công tác huấn luyện vào ban ngày với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng, vừa học văn hóa vào buổi tối.

"Đời VĐV chỉ có chút ít tiền thưởng huy chương SEA Games nhưng có mấy ai giữ được đâu. Đến giờ khi sắp chia tay đường đấu tôi vẫn phải nhờ gia đình vốn đã vất vả với nghề làm nông ở quê nhà Sóc Sơn lo tiền ăn học, làm lại từ đầu. Càng nghĩ, càng thấy thương cha mẹ" - Dung tâm sự.

Nhiều trăn trở là thế, nhưng so với đồng đội Trịnh Thị Lý thì những khó khăn của chị em Lệ Dung - Hoài Thu chưa thấm tháp gì. Thời điểm này năm ngoái, Lý từng phải trải qua cảm giác đau đớn tột cùng khi đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng bao ngày mong ngóng bị sảy.

Phải mất một thời gian dài với sự động viên, chăm sóc của người thân, Lý mới qua cơn sốc: "Chuyện qua rồi và tôi đang chờ đợi những tin vui mới trong tương lai. Giờ tôi không còn thi đấu nữa, mà chỉ làm công tác huấn luyện. Lương 1,6 triệu đồng/tháng không mang nhiều ý nghĩa, nhưng quan trọng là có cảm giác thoải mái, vơi bớt nỗi buồn. Đối với VĐV, tìm được một nghề như ý rất khó khăn. Tôi không ngại không làm được việc, mà vấn đề là khó quên kiếm lắm" - Lý bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem