Nửa tỷ USD ở dự án La Sơn – Túy Loan được dùng thế nào?

Vinh Hải Thứ tư, ngày 13/11/2019 12:09 PM (GMT+7)
Sau khi hợp đồng BT được ký, tiến độ dự án La Sơn – Túy Loan vẫn ì ạch cho đến khi có nguồn vốn “khủng” gần nửa tỷ USD được rót vào. Ai xúc tiến để doanh nghiệp BT tiếp cận và được vay nguồn tín dụng này, số tiền gần nửa tỷ USD được sử dụng ra sao?
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, dự án BT La Sơn – Túy Loan có tổng vốn đầu tư 10.369 tỷ đồng, dù đã có khoản tín dụng vay ngân hàng nước ngoài gần 500 triệu USD từ 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thể khánh thành.

Qua cầu rút ván?

Để xúc tiến tìm nguồn vốn cho dự án, năm 2013 Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan đã ký Hợp đồng tư vấn đầu tư số 0508-12/HĐ với Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và đầu tư Triều Anh. Ông Lê Ngọc Ẩn – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Cam Lộ - Túy Loan (người đại diện theo pháp luật của Công ty) đã ký kết Hợp đồng tư vấn đầu tư dự án với đối tác.

Sau đó, Công ty Triều Anh đã đứng ra thực hiện việc tư vấn quá trình thu xếp khoản vốn vay cho dự án. Theo Hợp đồng tư vấn, đơn vị này có trách nhiệm tìm kiếm, chọn lựa, tư vấn, xúc tiến và hỗ trợ Công ty BT trao đổi, thương lượng với Bên thu xếp vốn.

Ông Phạm Hồng Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (hiện là Tổng Giám đốc Ban QLDA 2, Bộ GTVT) nhớ lại: “Doanh nghiệp BT tìm nguồn vốn từ năm 2008 nhưng chưa có kết quả. Sau đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giới thiệu Công ty Triều Anh cho liên danh nhà đầu tư để xúc tiến tìm nguồn vốn vay. Như đã biết, sau đó giao dịch thành công”.

Cụ thể, ngày 29/9/2014 Công ty Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan đã ký kết hợp đồng tín dụng có bảo hiểm với một Ngân hàng nước ngoài cho tổng gói tín dụng 510 triệu USD, mức lãi suất 2,525%/năm. Đây được coi là mức lãi suất ưu đãi so với mặt bằng lãi suất thời điểm đó. Khoản vay này có Bảo lãnh của Chính phủ.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, ở thời điểm đó các thành viên của liên danh đều biết việc ông Lê Ngọc Ẩn – đại diện Doanh nghiệp BT ký kết hợp đồng tư vấn với Công ty Triều Anh. “Chứ làm sao tự nhiên có nguồn vốn lớn, lãi suất thấp như thế để thực hiện dự án” – ông Sơn cho hay.

img

Tuyến La Sơn - Túy Loan thi công từ năm 2014 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Nam Cường.

Vậy nhưng, sau khi có nguồn vốn “khủng” để thực hiện dự án, Doanh nghiệp BT vẫn chưa thực hiện cam kết trong Hợp đồng tư vấn. Cụ thể là việc trả phí tư vấn theo Hợp đồng, đến nay Công ty Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan vẫn chưa thực hiện.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Võ Việt Phương – Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan có biết đến việc người tiền nhiệm là ông Lê Ngọc Ẩn ký Hợp đồng tư vấn với Công ty Triều Anh. Tuy nhiên, ông Phương cho biết sau này mới tiếp quản nên không nắm rõ nội dung Hợp đồng.

Theo thông tin Dân Việt nắm được, Doanh nghiệp BT từ chối thanh toán phí tư vấn với lý do ông Lê Ngọc Ẩn ký Hợp đồng khi chưa có biên bản đồng ý của Hội đồng thành viên.

Về nội dung này, luật sư Nguyễn Thị Mai Hương, Công ty luật B&I – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo tài liệu các bên cung cấp ông Ẩn ký Hợp đồng tư vấn đầu tư số 0508-13/HĐ là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công ty Cam Lộ - Túy Loan thời điểm ngày 11/10/2012.


img

Tuyến đường dài 77km hiện mới "cơ bản hoàn thành" hơn 66km

Trong khi đó, trả lời Dân Việt, ông Lâm Văn Hoàng – Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng: “Hợp đồng số 0508-13/HĐ giữa Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Triều Anh và Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan là Hợp đồng dân sự giữa các doanh nghiệp, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh không nắm được thông tin cho đến ngày 1/3/2016, khi Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Đầu tư Triều Anh có văn bản đề nghị thanh toán phí dịch vụ theo Hợp đồng”.

Điều này trái ngược với thông tin do ông Phạm Hồng Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cung cấp ở trên.

Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Ẩn – nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan cũng đã có văn bản xác nhận: “Trong cuộc họp ngày 27/9/2008 tại Văn phòng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh do ông Phạm Hồng Sơn chủ trì, các thành viên của Liên danh đã thống nhất ủy quyền cho tôi tìm nguồn vốn vay thương mại khác thay thế Maybank. Với lãi suất và các chi phí hợp lý khác sao cho có hiệu quả nhất”. Thời điểm đó, ông Ẩn vẫn đang là đại diện pháp lý cho Doanh nghiệp BT.

Quá trình giải ngân nửa tỷ USD

Ngày 30/1/2015 ông Nguyễn Hồng Trường – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký Phụ lục hợp đồng số 01 với liên danh nhà đầu tư, Doanh nghiệp BT. Trong đó có bổ sung, điều chỉnh về Phương án tài chính.

Theo đó, vốn vay gửi về Ngân hàng trong nước để sinh lãi. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý lãi tiền gửi đối với khoản tiền vay chưa dùng đến. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng lãi tiền gửi để thanh toán một phần lãi và chi phí liên quan đến hợp đồng tín dụng (nếu có).

Đặc biệt, trong thời gian xây dựng, nhà đầu tư chịu trách nhiệm trả lãi vay. Cụ thể, nhà đầu tư chỉ chịu lãi đối với các khoản nhà đầu tư thanh toán cho các chi phí thực hiện Dự án, tính từ thời điểm thanh toán đến khi bàn giao công trình.

Sau khi hoàn tất Hợp đồng tín dụng, ngày 21/7/2015 Ngân hàng giải ngân khoản vay lần một số tiền 75 triệu USD. Doanh nghiệp BT đã thực hiện thanh toán các khoản phí bảo hiểm, phí thu xếp khoản vay và gốc gói vay bắc cầu.

Tiếp đó, ngày 25/8/2015 Ngân hàng giải ngân khoản vay lần 2 số tiền 390 triệu USD. Ngay sau đó, Doanh nghiệp BT đã phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chuyển đổi toàn bộ số tiền 390 triệu USD sang tiền VNĐ và gửi có kỳ hạn phù hợp với tiến độ giải ngân của dự án. Số tiền này được quy đổi thành 9.365 tỷ đồng gửi tại chi nhánh một ngân hàng thương mại ở quận Tây Hồ, Hà Nội.

img

Chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 66km còn xôi đỗ để đưa vào sử dụng trước

Vậy khoản tiền lãi ngân hàng với số vốn chưa dùng đến (tùy thời điểm) được sử dụng thế nào? Việc giải ngân khoản vay nửa tỷ USD được thực hiện ra sao?

Câu hỏi này được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trả lời chung chung như sau: “Nguồn vốn vay 510 triệu USD sau khi bên cho vay giải ngân được giao cho nhà đầu tư quản lý, dưới sự giám sát của đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh).

Quy trình giải ngân nguồn vốn được thực hiện như sau: Khi có hồ sơ tạm ứng, thanh toán, Công ty BT thực hiện chức năng của chủ đầu tư xem xét chấp thuận và lập tờ trình đề nghị tạm ứng, thanh toán gửi tới Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát tính pháp lý của hồ sơ tạm ứng, thanh toán. Sau khi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xác nhận, Công ty BT làm thủ tục gửi cho ngân hàng dịch vụ để giải ngân cho dự án”.

Còn về nguồn vốn còn lại bao nhiêu, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng hiện dự án vẫn đang triển khai nên chưa có cơ sở xác định chính xác nguồn vốn kể trên còn lại bao nhiêu?!

Tuy nhiên, trong thực tế dự án đang gặp “nút thắt cổ chai” hơn 11km tại Đà Nẵng khi chưa thể giải phóng mặt bằng và thiếu vốn! Để giải tỏa làm cả 2 đường gom cần chi phí 400 tỷ đồng, trong khi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được 180 tỷ đồng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Tuyến La Sơn – Túy Loan dài 77 km, được xây dựng với quy mô đường cao tốc hai làn xe từ La Sơn (Thừa Thiên - Huế) đến Túy Loan (Đà Nẵng). Trên đoạn cao tốc này sẽ xây dựng 65 cầu bao gồm 22 cầu lớn, 35 cầu trung và 8 cầu nhỏ, xây dựng hầm Mũi Trâu có chiều dài 1.280 m.

Hiện 66km “cơ bản hoàn thành” vẫn còn một số điểm “xôi đỗ” chưa thể tiến hành thông xe, bên cạnh đó là “nút cổ chai” cuối tuyến tại Đà Nẵng chưa thể giải phóng mặt bằng.

Được biết, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang xin ý kiến Bộ GTVT tập trung kinh phí hoàn thiện đoạn tuyến 66km “đã cơ bản hoàn thành” để có thể thông xe kỹ thuật.  Đoạn hơn 11km còn lại có thể được bóc tách để hoàn thiện sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem