Nước mắt thầm ở làng trầm

Thứ ba, ngày 04/06/2013 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 23.3 là một ngày tang thương và làm dư luận rúng động, khi 5 người tìm trầm bị giết chết. Trong 3 người bị giết cùng ở xã Quảng Minh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) có 1 người ở làng Minh Lệ... Ngôi làng này từ lâu đã sống trong nỗi đau âm thầm cũng vì nghề tìm trầm, mà ít ai biết đến...
Bình luận 0

 Mướt mồ hôi và máu

Tôi nhấc thử chiếc “cùi” của thằng em tôi chuẩn bị cho chuyến đi trầm: Phải cỡ năm chục ký! Sức tôi bây giờ cõng lên lưng dễ đi không nổi trăm mét. Vậy mà chúng nó với trọng lượng này, vượt suối băng đèo cả 2 ngày trời mới tới được nơi tìm trầm...

img
Nguyễn Xuân Liêm - người thoát chết trong vụ 5 người bị giết hồi cuối tháng 3.

Những ngày hè thời còn sinh viên, tôi cũng từng dự vài chuyến tìm trầm. Nghe tôi hồi tưởng những nỗi cay cực, cậu em tôi bảo: Gian khổ, cực nhọc thời các anh đã “xi nhê” gì so với bây giờ. Tìm trầm bây giờ chủ yếu là “mót” lại những gốc cũ, nhặt từng mẩu như hạt gạo. Thế nên để kiếm được nó phải bới đất vạch lá; phải đào theo dấu rễ của những gốc trầm ngày xưa. Những chiến hào “truy” trầm ấy chạy dài hàng trăm mét, đá đục lên đủ xây cả một ngôi nhà...

Dẫu vậy nơi hy vọng tìm thấy trầm bây giờ chí ít phải là những cánh rừng già dọc biên giới Việt – Lào. Nước xiết sông sâu, vách lèn thăm thẳm; khoét gốc chuối rừng, chặt rễ cây gạn từng giọt nước... dường như chẳng gì ngăn nổi bước chân của dân tìm trầm. Thâm niên trong nghề là vậy nhưng làng tôi vẫn cứ “vô danh” cho đến ngày 23.3 vừa rồi.

Cái ngày định mệnh đầy máu và nước mắt ấy, nếu không nhờ sự may mắn tình cờ, có lẽ làng tôi phải thêm 5 người bỏ xác giữa rừng chứ không phải 1. Anh Nguyễn Xuân Liêm – người có công cứu 3 người - kể cho tôi nghe những giây phút nghẹt thở khi ngỡ còn cầm chắc cái chết trong tay.

... Đã gần một tháng, “xâu” (nhóm tìm trầm) của anh Liêm gồm 6 người lang thang tìm kiếm khắp các cánh rừng gần biên giới Việt – Lào mà chưa được chút gì. Hôm đó, sau cả buổi sáng đào bới mệt nhoài, đang chuẩn bị ăn cơm trưa, họ bỗng thấy 3 kẻ lạ mặt thình lình xuất hiện. Một tên cầm súng AK, còn hai tên kia đi tay không.

Chẳng nói chẳng rằng, tên cầm súng sấn tới gí súng vào đầu anh Liêm bắt đứng im rồi ra lệnh cho hai tên kia trói cả nhóm của anh lại bằng sợi dây phanh xe đạp. Kiểu trói người của chúng rất dã man: Bẻ quặt hai tay người bị trói ra sau lưng, thòng sợi dây qua háng, sau đó ngoặc thành chiếc thòng lọng móc vào cổ người kia.

Kiểu trói này nếu người đằng trước vùng chạy, sợi dây sẽ siết cổ người đằng sau. Xong đâu đấy chúng đòi mỗi người phải nộp 15 triệu đồng, nếu không sẽ bắn chết. Anh Liêm bảo anh em đi tìm trầm, chẳng ai mang theo tiền. Tên cầm súng bảo nếu vậy sẽ thả cho 2 người về nhà lấy. Hai người vừa đi được một quãng, bọn lạ trèo lên một tảng đá cao kiểm tra động tĩnh của họ. May mắn, anh Liêm là người bị trói sau cùng nên sợi dây bị hụt, nút thắt bật ra. Nhân lúc bọn chúng không để ý, anh lần ngón tay tự cởi trói cho mình rồi nhanh chóng cởi trói cho 2 người đằng trước và vùng chạy...

Để sổng mất “xâu” của Liêm, bọn chúng đuổi theo thì gặp “xâu” của Đỗ Văn Hiền. Sự việc xảy ra sau đó như mọi người đã biết qua báo chí.

Phần chìm của tảng băng...

Có lẽ vì số người chết một lúc khá đông, lại là những cái chết đầy thương tâm, nỗi oan nghiệt của nghề trầm quê tôi mới lên mặt báo chứ thực ra đây chẳng phải lần đầu. Tôi không khỏi giật mình khi nghe bà con nói rằng tính đến bây giờ, Minh Lệ ít ra cũng đã có 20 người bỏ mạng vì trầm. Những cái chết âm thầm muôn vẻ. Người bị sốt chết như Bảy, Trực, Thành. Người mất tích bao năm nay không rõ sống chết như Việt. Người gặp bom nổ chết như Anh. Đặc biệt đã có 3 người bị bắn chết, là Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Minh Thông.

Trong 3 cái chết bí ẩn này, tôi muốn kể về trường hợp anh Nguyễn Minh Thông. Thông sinh năm 1963, học xong lớp 10 thì đi lao động xuất khẩu. Năm 2000, anh hết hạn, về nước. Biết Thông có tiền, Kiều – một người làng rủ anh nhập hội. “Anh chỉ đi theo chúng em, không phải đào bới nhọc sức. Hễ gặp xâu nào trúng trầm thì ta mua về bán kiếm lời”. Sau nhiều lần bị rủ rê, Thông ra ngân hàng rút 150 triệu đồng dành dụm và nhập hội.

Chuyến đi hôm ấy có 4 người gồm Thí, Kiều, Phú và Thông. Theo hành trình, Thông phát hiện ra đây là con đường mà Nguyễn Văn Hoài – anh con bác mình đã bị bắn chết. Anh muốn quay về nhưng không được. Chiều hôm sau, 4 người đi 4 hướng thì bỗng nghe súng nổ. Thí kể: Lúc đó khoảng 5 giờ chiều. Ngày hôm sau mọi người bổ đi tìm và phát hiện xác anh Thông bị bắn cách lán chỉ khoảng 200m. Trong chiếc cặp số của anh không còn đồng nào...

Chết oan uổng nhưng kiếp trần ai của Thông chưa dứt. Vì khu vực anh chết là lèn đá, người ta đành để xác anh nằm nổi rồi lấy quần áo, nylon phủ lên mặt, chèn sơ vài hòn đá rồi đi...

Sau cái chết của chồng, chị Huệ - vợ Thông phải vào Nam giữ trẻ thuê để nuôi con ăn học. Còn ông Khuê – cha anh thì đau liệt giường. Có người khuyên ông làm đơn tố cáo lên công an, nhưng ông bảo: Làm đơn tố cáo, nó không chịu mang xác thằng Thông về cho thì ai biết mô mà tìm... Cái lý của ông là vậy nhưng hơn 10 năm nay rồi, xác anh Thông vẫn còn phơi giữa chốn rừng xanh núi thẳm...

Bao giờ hết “nghiệp”?

Làng tôi giờ đường ngang ngõ dọc kẻ ô, trắng phớ một màu xi măng. Điện về từng ngõ, xe máy sậm sịch... Kể cái văn minh vật chất, làng khác có gì làng tôi cũng có. Nhưng mà thân phận con người với cái nghiệp rừng rú thì đâu có gì đổi khác. Có ai đó đã từng nói rằng đi rú với người làng tôi đã trở thành cái nghiệp khó cởi cho ra.

Ngẫm, đời ông đời cha nghề rừng chỉ đủ vắt mũi đút miệng đã đành, đến thế hệ tuổi tôi, hơn nửa thế kỷ nay rồi, đã có ai giàu nổi vì trầm? Cái gọi là được nhất làng thì cũng đến xây được căn nhà hai gác như Trần Văn Mẹo là hết. Hay trầy trật hơn chút nữa thì đến cỡ như thằng Thắng – bạn tôi. Học xong cấp 2 hắn chỉ ở nhà cưới vợ và đi rú.

Đi rú nhưng phải vay nợ lãi, mãi rồi cũng “trúng quả” làm được căn nhà hai tầng chưa hom. Con rể Trương Thanh Hiền cũng trúng 200 triệu đồng, xây được căn nhà cấp bốn. Chưa kịp mừng, dấn tiếp chuyến nữa thì Hiền bị giết cùng 4 người khác trong chuyến đi định mệnh vừa rồi. Chẳng ai có của ăn của để nhờ trầm đã đành, cái bóng ám ảnh đầy ma lực của nó còn gieo rắc lên xóm làng những điều tệ hại...

Cái chết của hai chục con người kia vẫn chưa thể làm chùn bước người dân quê tôi. Niềm tin vào số phận, niềm tin sẽ có lúc đổi đời vẫn khiến họ dấn bước - dù phía trước vẫn là “miền đất hứa” mông lung chẳng bến bờ...

Anh Đức- một “giáo làng” trầm tư: Làng mình tiếng là nghèo nhưng cái đức hiếu học từng đứng đầu hàng huyện. Anh em mình ngày xưa cơ cực đủ đường mà có ai bỏ học giữa chừng? Bây giờ trường học khang trang, nhà nghèo cũng chẳng đến nỗi đói cơm, vậy mà bọn trẻ cứ bỏ học lia chia. Trường THCS xã có 16 lớp, ra tết đã bỏ học mất gần một lớp. Cha mẹ chúng không ít người quan niệm- học cho lắm rồi cũng đi rú. Đi tìm trầm may ra còn có cơ đổi đời (!?).

Sự thật mà trầm mang lại cho làng tôi là vậy nhưng nói “nghiệp” nghe có vẻ gì “tâm linh”. Thằng em tôi mỗi lần nghe anh khuyên nên bỏ nghề trầm, ở nhà tìm công việc gì đó cho đỡ hành xác là lại trả lời bằng câu hỏi: Biết làm chi giữa cái làng Minh Lệ chừ? Đất chật, người đông, giờ lại có dịch vụ máy móc, nghề nông chỉ một, hai tuần là hết việc; hạt lúa làm ra may chỉ đủ ăn, con cái học hành và bao nhiêu chuyện nữa, không đi rú thì biết lấy đâu ?

Quả là câu hỏi không dễ trả lời. Cái cố hữu bao đời của người dân quê tôi là chỉ nghĩ đến cái có ăn ngay trước mắt. Cuộc sống khắc nghiệt không cho phép họ nghĩ xa hơn. Và như vậy cuộc mưu sinh mướt mồ hôi và máu bằng nghề trầm chưa ai biết phải khi nào chấm dứt. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem