Khai thác hiệu quả tiềm năng thủy sản
Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, diện tích mặt nước hơn 19.000ha, với 1.300 đảo lớn nhỏ, độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định nên việc nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi.
Theo Phòng NNPTNT huyện Yên Bình, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, cùng trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà; ngoài ra có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sinh sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản từ hồ.
Nuôi cá lồng trong hồ không tốn nhiều công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Ảnh: Minh Huệ
Năm 2016, nhận thấy nhiều gia đình ở địa phương khá giả nhờ nuôi cá lồng, nhất là nuôi cá lồng lúc đó đang được nhà nước hỗ trợ nên anh Nguyễn Kim Lến ở thôn 2 xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình đã dồn hết vốn liếng tích góp của gia đình, cộng thêm vay mượn người thân lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lồng.
Tự nhận thấy mình còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên anh “khởi nghiệp” với 2 lồng nuôi, mỗi lồng hơn 100 m3 và chọn những loài cá dễ nuôi, dễ bán như cá trắm, cá rô phi… Ngay từ năm đầu tiên, do được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước nên cá của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng.
Thấy đây là cách làm hiệu quả, tận dụng được lợi thế mặt nước nuôi cá của hồ Thác Bà, cá dễ chăm sóc, lớn nhanh, tốn ít công lao động nên đầu năm 2018, anh Lến tiếp tục đầu tư đóng mới 4 lồng để nuôi thêm cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá nheo… Đến nay, với 8 lồng cá các loại, ước tính mỗi năm gia đình bán cung ứng cho thị trường hơn 2 tấn cá, đem lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Cũng là một trong những hộ nuôi cá hiệu quả tại lòng hồ Thác Bà, anh Chu Văn Tình ở thôn Ro, xã Phan Thanh chia sẻ: “Năm 2018, từ số vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, cùng với vốn tích lũy của gia đình, tôi đã đầu tư làm 1 bè nuôi cá với 3 ô lồng, mỗi ô lồng thể tích gần 90m3, thả nuôi chủ yếu cá trắm cỏ, rô phi. Do lòng hồ rộng lớn, nước sạch nên cá lớn nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống với thu nhập trung bình từ 25-30 triệu đồng/lồng/năm”.
Hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cho người dân nuôi cá
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, có hai hình thức nuôi cá ở hồ Thác Bà là nuôi cá trong lồng và nuôi cá trong eo ngách (dùng lưới chắn các eo ngách của hồ để nuôi cá) với 10 loại cá chính, trong đó: trắm cỏ, rô phi vằn, nheo Mỹ, trắm đen, diêu hồng có sản lượng lớn và được nuôi phổ biến hơn cả.
Công nhân đang cho cá diêu hồng ăn. Ảnh: Minh Huệ
Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ: 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên; và hỗ trợ 20.000đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.
Theo đó, trong năm 2019, huyện Yên Bình được tỉnh hỗ trợ đầu tư mới 700 lồng nuôi cá và duyệt kinh phí hỗ trợ trên 6,7 tỷ đồng cho Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi hồ Thác Bà do Công ty cổ phần nghiên cứu dịch vụ công nghệ T&T triển khai thực hiện trong 2 năm (2019 - 2020), với quy mô 205 lồng cá, 346 tấn/năm (gồm: rô phi 224 tấn, diêu hồng 48 tấn, trắm đen 42 tấn).
Ông Đặng Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn dịch vụ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái) cho biết: Ngoài các dự án nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp, HTX và 170 hộ dân, huyện Yên Bình cũng đã thực hiện 3 đề tài dự án phát triển thủy sản, gồm: Dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá nheo trong lồng; Dự án nhân rộng mô hình nuôi cá nheo (Parasilurusasotus) trong lồng trên hồ; Dự án xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên eo ngách hồ Thác Bà. Đã xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà, trong đó lựa chọn 7 loài cá chủ lực gồm: Cá rô phi vằn, cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép, cá ngạnh, cá nheo Mỹ.
Qua việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đến nay trên địa bàn huyện Yên Bình đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và trên 170 hộ dân tham gia nuôi cá trên hồ Thác Bà, hàng năm tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động nông thôn. |
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.