Nuôi cá quý hiếm trong ao đất, nuôi con đặc sản, nông dân nơi này ở Hòa Bình bán đắt hơn tôm tươi

Chủ nhật, ngày 28/01/2024 05:34 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ vật nuôi, con đặc sản, nhiều hộ trên địa bàn huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đầu tư phát triển mô hình nuôi con đặc sản, trong đó có nuôi dúi, nuôi cá dầm xanh-một loài cá quý hiếm nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Nằm trong khu du lịch của xã Nà Phòn, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) nhận thấy nhu cầu của du khách muốn thưởng thức và sử dụng thực phẩm đặc sản của địa phương, năm 2021, gia đình anh Hà Đức Mạnh, xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn mạnh dạn đầu tư nuôi dúi để phát triển kinh tế. 

Từ một cặp giống, đến nay, anh Mạnh đã phát triển đàn dúi lên trên 40 con. Theo anh Mạnh, dúi là loài dễ nuôi, giá trị kinh tế cao, mỗi kg có giá 500 nghìn đồng, một vụ cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng. 

Với lợi thế phù hợp môi trường nuôi nhốt, anh Mạnh có kế hoạch xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thu nhập. 

Việc tiêu thụ con dúi chủ yếu phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức đặc sản và một số nhà hàng trên địa bàn huyện.

Gia đình chị Hà Thị Lan, xóm Lọng, xã Vạn Mai (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) là một trong những hộ nuôi cá dầm xanh nhiều nhất và là địa chỉ cung cấp cá giống uy tín ở Mai Châu. 

Vạn Mai có truyền thống nuôi cá dầm xanh, loài cá quen sống trong môi trường tự nhiên ở sông Mã, suối Sia. Khai thác lợi thế, gia đình chị Lan đầu tư phát triển cá dầm xanh thương phẩm.Nuôi cá quý hiếm trong ao đất, nuôi con đặc sản, nông dân nơi này ở Hòa Bình bán đắt hơn tôm tươi- Ảnh 2.

Gia đình chị Hà Thị Lan, xóm Lọng, xã Vạn Mai (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) phát triển nuôi cá dầm xanh, trở thành hộ có kinh tế khá. Cá dầm xanh là một trong những loài cá quý hiếm...

Hiện gia đình chị có 1 ao cá thịt 300m2 và một ao cá giống. Tư thương ở Hà Nội mua tại ao với giá 300.000 đồng/kg đối với loại từ 1 - 2,5 kg, 350.000 đồng/kg đối với loại từ 3 kg trở lên.

Trung bình mỗi năm, gia đình chị xuất bán ra thị trường từ 1 - 2 tạ cá dầm xanh thịt, 1 vạn con cá giống, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. 

Chị Hà Thị Lan cho biết: "Cá dầm xanh là loài ăn tạp, dễ nuôi, kháng bệnh tốt, ít bị bệnh hơn so với các loại cá thông thường. Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, giàu đạm nên được xếp vào loại đặc sản, giá bán cao. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm khá tốt vì nhu cầu của các nhà hàng rất lớn”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Châu có nhiều mô hình nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế cao, được người dân đầu tư nhân rộng, như: nuôi cầy hương tại thị trấn Mai Châu, nuôi dúi, ếch tại xã Nà Phòn, cá dầm xanh tại xã Vạn Mai, nuôi nhím tại xã Xăm Khòe, vịt cổ xanh ở xã Mai Hịch, lợn đen Mường Pa tại xã Bao La, gà đen tại xã Hang Kia, Pà Cò... 

Đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi con đặc sản. 

Ngoài ra, triển khai các giải pháp nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi con đặc sản cho nhân dân”.

Việc phát triển các mô hình con nuôi đặc sản đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân tại các xã, thị trấn. 

Để nhân rộng, phát triển bền vững mô hình, huyện thường xuyên tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp điều kiện địa phương, không chạy theo phong trào, tự phát. 

Đồng thời, hướng dẫn các hộ thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Mặt khác, địa phương khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Thanh Loan (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem