Nuôi dúi đặc sản chỉ gặm đốt tre ở Nghệ An, đưa ảnh lên facebook, dân mạng like ầm ầm
Một chị nông dân Nghệ An nuôi con đặc sản ham gặm đốt tre, đưa ảnh lên facebook, dân mạng like "ầm ầm"
Bình Minh
Thứ năm, ngày 29/06/2023 13:18 PM (GMT+7)
Trong một status của tài khoản facebook Hội Nông dân địa phương có đưa hình ảnh chị nông dân Lương Thị Thùy đang cầm trên tay con dúi đặc sản, đã nhận được hàng loạt like và comment (bình luận). Mô hình nuôi dúi rừng, nuôi cá kết hợp trồng rừng của chị Thùy ở bản Đồng Mới, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Từng là hộ nghèo, quanh năm chỉ biết "làm bạn" với cây lúa, cây ngô...nhưng bằng kiến thức của một cử nhân Đại học cùng những tích lũy kinh nghiệm của bản thân, đến nay chị Lương Thị Thuỷ ở bản Đồng Mới, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng bằng việc nuôi dúi, nuôi cá kết hợp trồng rừng.
Trò chuyện với Dân Việt, chị Thủy nói rành mạnh kỹ thuật nuôi dúi không khác gì một chuyên gia, từ cách cho ăn, tập tính sinh sản... đều được chị nắm chắc trong lòng bàn tay.
Quế Phong là một trong ba huyện thuộc diện huyện nghèo 30A của tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm Nghiệp, cô gái dân tộc Thái-chị Lương Thị Thủy trở về bản Đồng Mới và làm cán bộ công tác giảm nghèo ở địa phương.
Tuy nhiên, do thu nhập, chế độ đãi ngộ thấp nên chị đã quyết định bỏ ngang việc xã để bắt đầu chuyển hướng sang một con đường mới, đó là làm nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng trên chính mảnh đất quê hương.
Chị Lương Thị Thủy ở bản Đồng Mới, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) có thu nhập trên 200 triệu từ mô hình nuôi dúi, nuoi cá kết hợp trồng rừng. Ảnh: NVCC
Ở miền Tây xứ Nghệ, mùa hè nắng nóng hơn 40 độ C, gió Lào thổi rát cả ngày lẫn đêm. Mùa đông giá rét. Nuôi con gì, trồng cây gì là điều mà chị Thủy luôn băn khoăn, trăn trở.
"Thời gian đầu tôi cũng chưa biết được mình sẽ phải bắt đầu từ đâu. Xem trên ti vi, đọc báo thấy nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả đang chuyển hướng sang nuôi các con đặc sản như: Lợn rừng, dúi, dê... mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Trong khi đó, ở quê tôi chủ yếu là rừng núi, địa hình, thức ăn cho các con đặc sản đó dễ kiếm nên tôi nghĩ ngay đến việc chọn nuôi dúi để bắt đầu khởi nghiệp", chị Thủy chia sẻ với Dân Việt.
Năm 2019, chị Thủy khởi nghiệp chỉ bằng một đôi dúi rừng sinh sản, sau đó. Để nhân thêm đàn, chị mua thêm dúi rừng tự nhiên của một số hộ trong xã bắt được. Mua dúi rừng về chị phải mất một thời gian để thuần. Cứ thế, từng ngày trôi qua đàn dúi rừng của gia đình chị ngày một tăng lên. Đến nay, sau 4 năm, trang trại nuôi dúi đặc sản của chị Thủy duy trì thường xuyên đàn dúi 100 con.
Nói với Dân Việt, chị Thủy bảo: "Đã nuôi con đặc sản thì không được dùng thức ăn tăng trọng". Những con dúi trong trang trại của gia đình chị cũng vậy, thức ăn của dúi là các loại cây họ tre, nứa, trúc, mía, cỏ voi, củ quả, các loại ngũ cốc, sắn, khoai...
Chị Thủy cho biết, mỗi năm chị có thu nhập 100 triệu đồng từ nuôi dúi rừng. Ảnh: NVCC
Chị Thủy cho biết, con dúi rừng có khứu giác rất tinh, không thích người lạ đến gần. Khi sống ở môi trường tự nhiên, dúi thường đi ăn vào ban đêm và ngủ ngày, do đó chuồng nuôi cần chắc chắn, tránh ánh sáng trực tiếp. Hơn nữa trong quá trình nuôi dúi sinh sản có hiện tượng dúi mẹ ăn thịt dúi con nên người nuôi cần phải nắm rõ đặc tính của chúng để có kỹ thuật nuôi và chăm sóc phù hợp.
Theo chị Thủy, nuôi dúi theo phương thức tự nhiên, bán hoang dã nên trọng lượng dúi chỉ từ 1,2 đến 1,5kg/con nhưng đổi lại chất lượng thịt dúi chắc, thơm, ít mỡ, giá dúi thịt bán 450.000 đồng/kg, cao hơn so với nuôi dúi bằng cám.
Nhờ vậy, dúi tại trang trại của chị Thủy luôn không đủ dúi thịt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị bảo, có những khách ở trong tận miền Nam gọi điện ra đặt mua dúi. Đối với dúi giống giá từ 600.000 - 800.000 đồng/cặp (tùy trọng lượng). Chị Thủy có thu nhập từ nuôi dúi khoảng 100 triệu đồng.
Chị Thủy , nông dân bản Đồng Mới, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) bên rừng keo của gia đình. Ảnh: NVCC
Ngoài thu nhập ổn định từ nuôi dúi, hiện nay, gia đình chị Thủy cũng thả nuôi 3 ao cá với diện tích 5.000m2 mỗi ao. Các loại cá được chị thả nuôi như: cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi... Nuôi cá - chị Thủy cũng áp dụng theo phương thức tự nhiên, thức ăn cho cá cũng chỉ là cỏ, lá cây chuối, ngô...
Chị Thủy cho hay, nuôi cá bằng phương pháp tự nhiên này một năm chỉ được thu hoạch một lứa nhưng cá rất chắc thịt, bán được giá ổn định. "Mỗi năm gia đình tôi cũng thu về hơn 50 triệu đồng từ việc nuôi cá", chị chia sẻ.
Cũng hứa hẹn cho nguồn thu ổn định, 8ha trồng keo và 2ha trồng quế của gia đình chị Thủy cũng đang phát triển rất tốt.
"Trước đây những diện tích này chỉ được trồng sắn nhưng không hiệu quả, sau đó tôi đã chuyển hướng sang trồng keo và quế. Những kiến thức học được từ Đại học đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc chuyển đổi", chị Thủy bộc bạch.
Hiện, rừng quế của gia đình chị Thủy đang bước vào năm thứ 4, và chỉ 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch những sản phẩm đầu tiên. Chị chia sẻ với Dân Việt: "Hiện giá quế khô đang ở mức trên 50.000 đồng/kg nên rừng quế sẽ là niềm hi vọng mang lại thu nhập cao cho gia đình".
Chị Thủy cho biết, đầu năm 2021 chị được vay số tiền 90 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Với số vốn được vay này cộng thêm ít vốn tích lũy của gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư kinh tế nuôi dúi sinh sản chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
"Tôi rất vui mừng khi được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế từ Ngân hàng CSXH, đến nay gia đình tôi nguồn thu nhập đã ổn định hơn, việc trang trải cho cuộc sống hàng ngày đã tốt hơn, mong rằng các tổ chức tiếp tục tạo điều kiện để cho các hộ dân cũng sớm mạnh dạn tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình", chị Thủy chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.