Nuôi ốc hương đặc sản chung ao với nuôi cá dìa, nuôi cá măng, nông dân Quảng Ngãi thu tiền tỷ
Cho ốc đặc sản ưa mặn "chung nhà" với cá dìa, cá măng ở Quảng Ngãi, vớt ốc, kéo cá lên bán thu tiền tỷ
Thứ sáu, ngày 27/05/2022 19:14 PM (GMT+7)
Nuôi ốc hương kết hợp với nuôi cá măng, nuôi cá dìa ở Đức Phổ là một trong bảy mô hình thực nghiệm của Trung tâm Giống Quảng Ngãi ở vùng ven biển các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi.
Trung tâm Giống Quảng Ngãi trước khi thực nghiệm mô hình nuôi ốc hương kết hợp với nuôi cá dìa, nuôi cá măng cũng đã thực nghiệm mô hình nuôi ốc hương kết hợp với nuôi hải sâm.
Nuôi thủy sản vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi sau thời gian dài trầm lắng thì trong năm 2021 có dấu hiệu phục hồi với việc nuôi kết hợp các loài khác nhau, góp phần cải thiện môi trường, đem lại thu nhập đáng kể cho dân. Đây là hướng mở để phát triển kinh tế vùng ven biển mà từ lâu Quảng Ngãi được xác định là vùng có lợi thế.
Vùng nuôi thủy sản ven biển thuộc tổ dân phố Bàn An, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ. Trong những ngày giáp tết Nhâm Dần, nhiều hộ tiến hành thu hoạch ốc hương, hải sâm để bán tết. Ông Ngô Tiến Dũng chủ hồ nuôi theo mô hình của Trung tâm Giống Quảng Ngãi.
Tết Nhâm Dần ông trúng đậm, dù rằng giá thu mua hải sản thời điểm trước tết chưa phải cao. Ông Ngô Tiến Dũng, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi nói: Trước đây tui nuôi tôm rồi chuyển qua thực hiện mô hình nuôi ốc hương kết hợp với nuôi cá măng, nuôi cá dìa trên diện tích 4000 m2. Sau 6 tháng thả nuôi với vốn đầu tư 600 triệu đồng, tôi thu hoạch bán được 1 tỷ đồng.
Nuôi ốc hương kết hợp với cá măng, cá dìa ở Đức Phổ là một trong bảy mô hình thực nghiệm của Trung tâm Giống Quảng Ngãi ở vùng ven biển các huyện trong tỉnh.
Các mô hình nuôi trồng thủy sản này bước đầu góp phần phục hồi nghề nuôi trồng thủy sản sau nhiều năm trầm lắng khi môi trường hồ nuôi ô nhiễm nghiêm trọng, nghề nuôi tôm sú đối diện với thất bại kéo dài.
Trung tâm Giống Quảng Ngãi trước khi thực nghiệm mô hình nuôi ốc hương kết hợp với cá dìa, cá măng cũng đã thực nghiệm mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm. Mô hình này thành công nhưng nguồn tiêu thụ hải sâm gặp khó, nên Trung tâm chuyển hướng sang thực nghiệm mô hình mới.
Ông Đào Tư Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi thực nghiệm 7 mô hình nuôi ốc hương kết hợp với nuôi cá dìa, nuôi cá măng là nhằm tận dụng nguồn thức ăn trong hồ.
Nuôi ốc hương là chính, còn cá dìa làm sạch tầng đáy và cá măng ăn rong tảo góp phần làm sạch môi trường hồ nuôi và cũng góp phần tăng thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Quảng Ngãi, trong năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ trong tỉnh là hơn 1.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 8.700 tấn mà chủ yếu là tôm thẻ chân trắng cùng ốc hương.
Riêng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp vừa góp phần bảo vệ môi trường hồ nuôi vừa cải thiện nguồn thu nhập đã được các địa phương quan tâm để triển khai trong năm mới 2022 này.
Ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho rằng: Năm 2022, dựa trên quy hoạch các dự án ven biển của tỉnh, huyện sẽ thống kê lại diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, chọn lựa đối tượng nuôi phù hợp để sản phẩm nuôi trồng đạt chất lượng cao, cải thiện thu nhập cho dân.
Sở NNPTNT Quảng Ngãi, cơ quan tham mưu cho tỉnh trong việc triển khai các dự án phát triển kinh tế vùng ven biển thì năm 2022 sẽ tập trung hơn việc nuôi trồng thủy sản hướng đến xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm nuôi trồng.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi nói: Năm 2021 việc thực hiện các mô hình như nuôi ốc hương đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho dân. Năm 2022, Sở khuyến cáo các địa phương trong việc nuôi trồng thủy sản phải chú trọng hơn vấn đề môi trường ao nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ lựa chọn những vùng nuôi trồng thủy sản để cấp chứng chỉ đáp ứng việc xuất khẩu sản phẩm theo hướng chính ngạch để nâng cao giá trị của vật nuôi.
Quảng Ngãi vốn có ưu thế về việc nuôi trồng thủy sản với vùng bờ biển dài trên 130 km. Việc biến ưu thế thành hiện thực đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp các ngành trong việc quy hoạch vùng nuôi, đặc biệt là giải quyết bài toán về môi trường hồ nuôi bị ô nhiễm trong nhiều năm do hệ thống nước thải chưa làm tốt, tôm bị dịch bệnh kéo dài.
Do vậy, việc xây dựng những mô hình nuôi kết hợp, chọn loài thủy sản thả nuôi có khả năng tự cải thiện môi trường hồ nuôi là hướng đi đúng. Tiếp đó là hỗ trợ người dân tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong xác lập, để truy xuất nguồn gốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.