Nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cua biển trong hộp, một xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều nông dân giỏi
Nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cua biển trong hộp nhựa, một xã ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều nông dân giỏi
Thứ bảy, ngày 25/02/2023 14:19 PM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung huy động mọi nguồn lực, giúp hội viên, nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Với hơn 240ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ấp An Thạnh (dọc Tỉnh lộ 44A), Hội Nông dân xã An Ngãi đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, UBND xã và các cấp, các ngành của tỉnh, huyện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi cá, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình, Công ty TNHH Thủy sản Mạnh Cường, cơ sở nuôi tôm Liên Giang và HTX Chợ Bến đã liên kết sản xuất và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Với hơn 240ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ấp An Thạnh (dọc Tỉnh lộ 44A), Hội Nông dân xã An Ngãi đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, UBND xã và các cấp, các ngành của tỉnh, huyện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi cá, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình, Công ty TNHH Thủy sản Mạnh Cường, cơ sở nuôi tôm Liên Giang và HTX Chợ Bến đã liên kết sản xuất và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Gia, hộ nông dân liên kết nuôi tôm thẻ chân trắng với doanh nghiệp cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, doanh nghiệp có thể nuôi 3 vụ tôm/năm, năng suất đạt khoảng 3 tấn tôm thương phẩm/ao nuôi diện tích 1.000m2. Giá thương lái thu mua hiện nay khoảng 250 ngàn đồng/kg tôm (loại 30 con/kg). Sau khi trừ các chi phí, người nuôi thu lợi nhuận gần 40% so với tổng doanh thu.
Còn nông dân Phạm Văn Hai, ở ấp An Thạnh thì đã thành công với mô hình nuôi cá mú. Theo ông Hai, năm 2016, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hơn 1.000 con cá mú giống. Qua 7 năm gắn với nghề, đến nay ông Hai có 3 ao nuôi với diện tích 4.000m2. Mỗi năm, ông Hai xuất bán khoảng 2.000 con cá mú thương phẩm. Mô hình này đã giúp gia đình ông Hai vươn lên thoát nghèo.
Nhằm thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, huyện triển khai mô hình nuôi cua biển; hỗ trợ giống cá, thức ăn công nghiệp, vôi bột khử ao và thuốc phòng bệnh cho cá, tôm.
Anh Lý Hữu Đức đã được huyện hỗ trợ mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa. Hiện nay, anh đang nuôi hơn 600 con cua. Theo anh Đức, hệ thống công nghệ cao nuôi cua biển trong nhà có ưu điểm nổi bật là lượng nước đầu vào không cần nhiều nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Hải sản nuôi tỷ lệ sống cao, năng suất cao, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, mỗi năm, anh Đức còn sản xuất hàng triệu con cá mú, cá chẽm giống cung cấp cho người nuôi trong tỉnh.
Duy trì làng nghề truyền thống bánh tráng
Cùng với phát triển kinh tế ven sông, Hội Nông dân xã An Ngãi cũng hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại làng nghề truyền thống bánh tráng.
Từ vài hộ ban đầu, qua hơn 50 năm, làng nghề bánh tráng An Ngãi đã phát triển lên 128 hộ làm nghề sản xuất bánh tráng. Làng nghề bánh tráng An Ngãi đã được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1957) có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng ở ấp An Phước cho biết, mỗi ngày, bà tráng khoảng 1.500 chiếc bánh. Sau khi trừ chi phí, bà thu lời khoảng 300 ngàn đồng. “Làm nghề này không khá giả nhưng giúp gia đình có tiền chi tiêu hằng ngày, cho con cái học hành và cuộc sống ổn định. Gia đình nào có công phụ tráng bánh thì mỗi ngày có thể thu nhập cao hơn”, bà Thơm cho hay.
Hội Nông dân xã An Ngãi cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ lò tráng bánh sử dụng điện, máy xay bột; tạo điều kiện để hội viên, nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện và Quỹ Hỗ trợ Nông dân để đầu tư phát triển sản xuất, khởi nghiệp. Trong đó, 15 hộ sản xuất bánh tráng được hỗ trợ 210 triệu đồng theo Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND xã An Ngãi, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt chú trọng các ngành nghề sản xuất có thể gắn kết với du lịch.
“Hội Nông dân xã cần tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm cho phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề khích lệ hội viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025”, ông Lương Tuấn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi nhấn mạnh.
Trong hai ngày 14 và 15/2, Hội Nông dân xã An Ngãi tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028, nhằm đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028. Đây là đơn vị tổ chức đại hội điểm Hội Nông dân cấp xã trên địa bàn huyện Long Điền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.