Ở tâm điểm dịch virus corona Vĩnh Phúc: Cả làng chống dịch

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 13/02/2020 06:00 AM (GMT+7)
Có mặt ở thôn Ái Văn (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - nơi được coi là tâm điểm của dịch virus corona, mới thấy được sự đoàn kết, cùng nhau chống dịch và quyết tâm thắng dịch. Tất cả người dân Ái Văn đều đồng lòng chống dịch, vì họ tin tưởng vào các cơ quan chức năng, và cả sự hợp tác tự nguyện của những người không may bị nhiễm virus corona khi từ Vũ Hán (Trung Quốc) về.
Bình luận 0

Tình nguyện viên chống dịch

Kể từ khi phát hiện ra thôn Ái Văn có người bị nhiễm virus corona khi từ Vũ Hán (Trung Quốc) về, bà Phạm Thị Văn  (64 tuổi), đã tình nguyện cả ngày ra đình làng làm công tác tuyên truyền. Bà Văn chia sẻ: “Lúc đầu dân làng tôi chưa hiểu biết, họ kỳ thị chị Phạm Thị Th lắm, họ đổ tại do chị ý thế này thế khác. Nhưng chúng tôi đã kịp thời tuyên truyền, đây là điều không mong muốn, chứ không phải chị ý cố ý gì. Cho tới thời điểm này thì toàn bộ người nhà của bệnh nhân Th, người thân và những ai đã tiếp xúc với chị Th đã tình nguyện đi cách ly tại bệnh viện, nhà cửa tài sản đã gửi lại cho dân làng trông coi hộ. Dân làng tôi đều bảo nhau, trông coi tài sản của những gia đình đã đi cách ly cả nhà ở bệnh viện, để họ yên tâm”.

Ngoài làm công tác truyên truyền, bà Văn còn nhận thêm nhiệm vụ trông coi kho vật tư phòng dịch của thôn. Theo danh sách, bà phát miễn phí khẩu trang và dung dịch rửa tay cho toàn bộ người dân trong thôn. Người lạ đi vào thôn mà không có khẩu trang thì cũng được bà con gọi lại, yêu cầu đi ra đình làng lấy khẩu trang đeo.

img

Người dân thôn Ái Văn tổ chức công tác tuyên truyền, phòng chống dịch virus corona. Ảnh: Gia Tưởng

Chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, người thôn Ái Văn) kể, chị có công việc bán hàng ở dưới Linh Đàm (Hà Nội), nhưng khi về quê thấy tình hình dịch thế này, chị tình nguyện ở lại quê cùng giúp dân làng chống dịch, chứ không đi bán hàng nữa.

"Bà con ở trong thôn có ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng rất cao, dân chúng tôi rất vững tâm, biết được dịch là nguy hiểm, nhưng không hoang mang hay thiếu hiểu biết mà lo sợ. Có thông tin một số tờ báo viết, dân làng nhốt trẻ con ở nhà, mọi người không ai ra đường là chúng tôi phản đối. Dân làng vẫn hoạt động sản xuất, trồng cấy bình thường, nhiều nhà vẫn xây sửa nhà cửa. Chỉ có các nhà máy, xí nghiệp chưa đi làm vì dịch thì công nhân chưa vào ca sản xuất thôi. Dân tự bảo nhau đeo khẩu trang, bảo nhau vệ sinh nhà cửa, sát khuẩn chân tay, và cùng nhau làm các công việc phòng dịch”, chị nói. 

Trong nhóm phòng dịch, thành viên nhỏ tuổi nhất có lẽ là cháu Nguyễn Thị Vân Anh. Năm nay 15 tuổi, đang học lớp 9, Vân Anh chia sẻ: “Nhiệm  vụ của chúng cháu là cấp phát dung dịch diệt khuẩn và khẩu trang miễn phí. Chúng cháu ngồi ở trung tâm của thôn để bà con đến nhận cho tiện. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng đã tham gia Đoàn Thanh niên nên cháu nghĩ mình phải tham gia vào công tác phòng dịch của địa phương. Bằng sự hiểu biết của chúng cháu, cháu nghĩ dịch virus corona này chúng ta sẽ phòng trừ được. Qua lần tham gia phòng dịch này thì chúng cháu thấy mình có ích hơn, vì đã có đóng góp một chút công sức của tuổi trẻ của mình vào công tác đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm ở làng mình”.

img

Người dân thôn Ái Văn nhận khẩu trang và dung dịch sát khuẩn phòng dịch virus corona. Ảnh: Gia Tưởng

Đội “tiên phong chống dịch” ở Ái Văn

Ngoài thực hiện các biện pháp phòng dịch virus corona như đeo khẩu trang, sử dụng thường xuyên dung dịch sát khuẩn, bắt đầu từ ngày 11/2 toàn bộ thôn Ái Văn đã được phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn, và đã có nhiều "bô lão" lãnh xướng công tác phun thuốc khử trùng này.

Ông Nguyễn Văn Tít (60 tuổi) nói: “Tôi nhận công việc phun thuốc này không sợ gì cả, mình bỏ công sức vì dân mình chứ có phải vì ai đâu mà lăn tăn. Tôi có 2 đứa con trai, 1 đứa lấy vợ rồi, 1 đứa thì chưa, nhỡ chả may có việc gì thì tôi không bao giờ ân hận hay lo sợ gì cả. Có nhiều người trẻ cũng muốn làm công việc phun thuốc này, nhưng cánh già chúng tôi xung phong gấp nên được làm trước. Cả mấy ngày trời quần nhau với thuốc, mặc quần áo bảo hộ và khoác bình bơm cũng mỏi lắm, nhưng chúng tôi rất vui, mình cứ phòng bệnh cho mình và nhìn thấy bà con dân làng khỏe là quên hết cả mệt”.

img

Các "bô lão" thôn Ái Văn lãnh xướng công tác phun thuốc khử trùng phòng chống dịch virus corona. Ảnh: Gia Tưởng.

Cũng trong đội phun khử trùng trong thôn, ông Nguyễn Huy Bảng (64 tuổi) chia sẻ: “Tôi ngần này tuổi rồi, cũng chả còn biết sợ gì nữa. Nhưng đúng là từ ngày lập làng đến giờ chưa thấy dịch bệnh gì mà được Nhà nước quan tâm như thế này. Gần như dân làng yêu cầu gì là cấp trên đáp ứng cái đó, nên chúng tôi sẽ bỏ công sức ra để cùng nhau chống dịch. Chúng tôi tự nguyện, không nhận bất cứ chế độ hay thù lao gì”.

Ông Nguyễn Văn Trường là thành viên thứ 3 của đội "tiên phong” phun dịch chia sẻ: “Ở trong thôn, có những gia đình có người nhiễm virus corona. Tôi nghĩ càng những gia đình đó chúng tôi lại càng phải phun kỹ, có thể phun đến 2 lượt để đảm bảo sạch mầm bệnh. Đây là một công việc nếu ai kỹ tính cẩn thận thì chả dám làm, nhưng chúng tôi sẵn sàng nhận, và cống hiến tất cả sức lực của mình vì sức khỏe của dân làng, cần chống dịch quyết liệt và chủ động hơn nữa”.

Anh Nguyễn Duy Hải (40 tuổi), đã làm trưởng thôn Ái Văn đến khóa thứ 2, cũng là một trong những người tích cực và quyết liệt nhất trong công tác phòng chống dịch virus corona. Anh Hải kể: “Từ hôm trong thôn có người mắc dịch cúm, mấy hôm đầu tôi cũng mất ăn mất ngủ. Nhưng sau bình tâm suy nghĩ lại thì mình vẫn phải ăn ngủ bình thường, vì dịch còn kéo dài, chúng ta không thờ ơ được.  Nhưng phải phòng dịch một cách đúng đắn, dưới góc độ người lãnh đạo thôn thì chúng tôi đã huy động toàn bộ hệ chính quyền thôn vào cuộc. Ngoài tuyên truyền vận động người trong thôn tự phòng chống dịch và đoàn kết với nhau, không phân biệt kỳ thị người mắc bệnh và người nhà của họ, thì chính quyền thôn đã vận động được một số Mạnh Thường Quân tài trợ bà con dung dịch diệt khuẩn, khẩu trang y tế. Một số người dân còn tự nguyện mang đồ ăn, nước uống đến để ủng hộ những tình nguyên viên trực tiếp tham gia chống dịch".

"Với tất cả những biện pháp mà người dân thôn Ái Văn đang áp dụng bây giờ, chúng tôi chỉ mong trời nắng lên để mọi thứ được khô ráo sạch sẽ, virus corona sẽ sớm bị tiêu diệt để trả lại nhịp sống bình yên và sôi động trong sản xuất của bà con trong thôn. Kể từ 2h chiều hôm nay 12/2, toàn bộ thôn Ái Văn và xã Sơn Lôi đã được chốt chặn bởi 8 chốt kiểm dịch, những trường hợp thật cần thiết mới được ra vào. Tôi tin dịch virus corona sớm bị thanh toán ở địa phương tôi thôi”, anh Hải nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem