Ông Chằn, bà Chằn ở chùa Khmer Nam bộ

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ năm, ngày 28/08/2014 19:45 PM (GMT+7)
Tại các chùa Khơ me, hình tượng chằn được các nghệ nhân tạo hình dưới dạng điêu khắc bằng tượng tròn, phù điêu hoặc vẽ bằng một bút pháp mạnh bạo, đặt tại các vị trí nhất định như ở cổng, sân hoặc quanh ngôi chánh điện.
Bình luận 0

Xuất phát từ kho tàng cổ tích, qua truyện thần kỳ Ramayana, chằn là một giống dân dữ ở đảo Lanka. Vua chằn là Râvana.

Ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, người Khơ me Nam bộ gọi chằn là Yeak, một nhân vật dùng biểu trưng cái ác, cái xấu, chuyên gieo tai hoạ cho người. Nói khác đi, chằn là “quỉ vương”, có hình thù trông rất hung tợn: to lớn, vạm vỡ, mắt lồi, mày xếch, miệng rộng, lưỡi đỏ, nanh nhọn và có sức mạnh phi thường!


img

Chằn mang giày to, đội mũ nhọn – nếu là “chằn cái” thì mũ vẫn nhọn nhưng thấp hơn, mặt mày cũng được tô vẽ quần quện hơn, khoác áo choàng màu sắc sặc sỡ, tay cầm gậy to hoặc chày vồ, vẻ mặt lúc nào cũng chầm hầm, bậm trợn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, không chịu khuất phục. Có khi thấy chằn đứng ngạo nghễ trên con “Reach cha sei” – một con vật trong huyền sử: đầu rồng, mình sư tử, chân trâu, được xem là con vật mạnh nhất trong các loài vật.

Nhưng dù chằn có khống chế được “Reach cha sei” đi nữa thì cũng phải chịu túm giò trước Krud (còn gọi là Garuda), tức chim thần, gọi nôm na là “người chim” vì có cái đầu chim, mình người và đôi cánh dang rộng, biểu trưng cho cái thiện, tốt lành – có người cho rằng người chim là tiên nữ. Các nghệ nhân trang trí người chim đạp trên đầu chằn, đặt ở các đầu cột hàng ngoài của chùa.

img

Trong các vũ điệu biểu diễn tuồng tích, chằn là vai phản diện, tiêu biểu cho phe ác, lầm lầm lỳ lỳ, rất ít nói, mà chỉ lấy múa và bộ điệu đi đứng nghênh ngang xấc lối làm ngôn ngữ diễn đạt bản chất của mình. Đó là thể loại vũ đặc trưng, rất hoạt bát lanh lợi bằng những động tác võ điệu dứt khoát mà mềm mại, uyển chuyển mà cương quyết, rất sinh động và lúc nào cũng tích cực tỏ rõ bản năng hiếu chiến, hiếu sát, áp đảo đối phương. Nhưng cuối cùng, cơ cấu của tuồng tích bao giờ chằn cũng phải phục tùng lẽ phải.

Chính vì vậy mà hình ảnh của chằn mới được hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, vừa bảo vệ chánh pháp cũng vừa nhắc nhở tín đồ hãy cố làm điều phước thiện, tránh gây tội lỗi gian ác, nếu không sẽ bị chằn trị tội.

img

Sự hiện diện của chằn trong chùa cũng là để tôn lên cái triết lý thâm diệu tất thắng của chân thiện mỹ – cái ác cuối cùng rồi cũng phải bị triệt hạ và quy phục.

img

Tự thân của chúng sinh đều có hai phe thiện và ác, lúc nào chúng cũng đối kháng, kình chống nhau, tương khắc và tranh chấp quyết liệt để đi đến một mất một còn. Cho nên, cái ác cũng có cả một “thế giới” của nó. Chúng có đủ cả, từ chằn chúa đến chằn binh tướng, rồi chằn ông, chằn bà…

Vì vậy khi nói đến cái ác, cái xấu hoặc để mô tả sự hung tợn, người ta thường ví với chằn. Nhưng trong trường hợp cần nhấn mạnh, người ta thường dùng hình tượng của “bà chằn”, như “hạn bà chằn” (nắng hạn như thiêu đốt, làm trở ngại nhiều mặt sinh hoạt và thiệt hại mùa màng của nhân dân, xảy ra bất cứ tháng nào ngay trong mùa mưa ở Nam Bộ, thường thì khoảng tháng 7, tháng 8, nó làm gián đoạn mùa mưa khoảng 10 ngày, tùy vào thời gian khống chế tương ứng của cơ chế bất ổn đột ngột từ bầu khí quyển do nhiều nguyên nhân khác nhau).

Nếu hạn hán cứ kéo dài, gây hại trực tiếp nhiều mặt trong đời sống, sản xuất thì thuật ngữ “hạn bà chằn” không còn sát hợp nữa, người ta thêm vào: “hạn bà chằn lửa”! “Lửa” là một từ quen thuộc mà dân gian thường dùng để diễn đạt một nhân vật hoặc sự việc tàn khốc ngoài tưởng tượng cần được nhấn mạnh.

Cho dù ông chằn hay bà chằn, ai cũng sợ, ghét.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem