Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ông Huỳnh Tấn Hưng, 63 tuổi ngụ ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long lại rất đam mê đọc sách, báo. Ông thường dạy các con và trẻ em hàng xóm "có tri thức là có tất cả" và phải vun bồi niềm đam mê đọc sách để văn hóa đọc không bị quên lãng theo dòng thời gian.
Được cha bồi nắn, 5/7 người con ông Hưng đã tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định. Tất cả đều ủng hộ việc làm cao đẹp vì cộng đồng của ông bằng việc ủng hộ sách, tạp chí, báo... và giúp ông tiền để bổ sung sách cho thư viện có một không hai ở vùng đất lúa.
Mỗi khi thu hoạch lúa và cây ăn trái, vợ chồng ông Hưng đều chắt chiu mọi khoản chi tiêu trong gia đình để có tiền mua thêm sách, báo phục vụ bạn đọc.
Bà Nguyễn Thị Lời, người bạn đời của ông Hưng quả quyết cùng chúng tôi: "Ông nầy mê sách báo còn hơn mê vợ con!".
Nghe đâu có sách, báo, tạp chí là "ổng" tìm tới để xin về cho bằng được. Thấy "ổng" quá nhiệt tình đã có nhiều mạnh thường quân, các nhà sách, nhà xuất bản lớn đã tới động viên, tặng nhiều sách, kệ đựng sách.
Hiện nay ông Huỳnh Tấn Hưng còn hiến cả 70 mét vuông đất có cả ngôi nhà trên đó để làm thư viện, 70 mét vuông đất khác được ông hiến xây dưng trụ sở ấp 8 (xã Mỹ Lộc).
Mỗi ngày ông biên tập lại các thông tin quan trọng để đọc trên hệ thống loa của gia đình giúp người dân tiếp cận thêm thông tin. Cùng với đó ông cần mẫn tiếp âm đài truyền thanh vào các buổi sáng, trưa, chiều để phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân.
Ông Hưng làm tất cả vì đam mê lan tỏa tri thức mà không đòi hỏi một đồng, một cắc công trạng nào cả.
Thư viện "Tứ Hưng"
Ông Phạm Hoàng Hảo, Phó giám đốc Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nói với vẻ tự hào về thư viện do ông Hưng lập nên: "Đây là Thư viện tư nhân duy nhất khu vực ĐBSCL tính đến thời điểm hiện nay. Thấy đơn giản vậy chớ thành lập được đã khó, duy trì hoạt động lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng ông Hưng đã làm được chuyện cao đẹp nầy".
Kể về cái tên "Tứ Hưng" đặt cho thư viện nông thôn của mình, ông Hưng nói vui: "Nhà nước quy định phải có tên nên tui đặt vậy. Tui thứ 4, tên Hưng nên đặt là thư viện Tứ Hưng. Còn về kinh nghiệm quản lý, giới thiệu sách tui làm ngọt xớt đã 20 năm qua".
Nhớ lại những năm trước đây khi đường giao thông nông thôn còn nhiều trắc trở, thêm vào đó mạng lưới viễn thông chưa phát triển như hiện nay, thư viện Tứ Hưng lúc nào cũng "đắt khách".
Các em học sinh của các trường Tiểu học Cái Ngang, THCS Cái Ngang, trường THPT Phan Văn Hòa mỗi ngày đều ghé qua mượn sách về nhà. Một số khác đọc tại chỗ trên hàng chục chiếc ghế, chiếc võng do ông tự bỏ tiền túi trang bị cho những độc giả.
Hiện nay thư viện "Tứ Hưng" đang sở hữu gần 9.000 đầu sách phục vụ cộng đồng, nhiều nhất là truyện tranh, sách thiếu nhi, giáo khoa, kỹ thuật nông nghiệp... Hiện tại mỗi ngày đã có từ 40 đến 50 độc giả đến liên hệ với ông.
Em Võ Thị Quyên Thanh, học sinh trường THCS Cái Ngang nhận xét: "Thư viện của ông Hưng có rất nhiều sách hay và quý hiếm. Ngoài việc đọc sách, báo, tạp chí tại trường, tại thư viện huyện Tam Bình, chúng em thường xuyên đến đây tham khảo, tìm hiểu nhiều loại sách rất bổ ích.
Ông luôn động viên chúng em quan tâm đến văn hóa đọc. Bên cạnh đó, nếu có yêu cầu ông Tư sẽ biểu diễn những tiết mục văn nghệ đơn ca tài tử rất hấp dẫn".
Năm 2008, ông đăng ký tham gia dự thi mô hình "Tủ sách gia đình" do TPHCM tổ chức và đạt giải đặc biệt. Từ năm 2011 đến năm 2013, thư viện của ông đã được Bộ VHTT và DL tặng bằng khen.
Mới đây ( tháng 5/2019) một lần nữa thư viện "hai lúa" này là đơn vị duy nhất ĐBSCL được bình chọn danh hiệu xuất sắc và nhận bằng khen của Bộ VHTT&DL vì những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa đọc và phục vụ cộng đồng.
"Đất nước còn khó khăn, tính toán đòi hỏi mà chi. Tui đâu có nhận bất kỳ khoản tiền bồi dưỡng nào kể cả tiền điện phát thanh nhưng không vì vậy mà xao lãng nhiệm vụ. Làm vậy là mình làm theo lời Bác Hồ dạy. Người ta vui là mình vui theo", ông Hưng cười rất tươi.
Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.
Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0857.835.666.
Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tối đa 3 tác phẩm có chất lượng của tháng. Mức thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải.
Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.