Giống bưởi quý này không chỉ xác lập kỷ lục về số quả trên 1 cây (300 - 400 quả), mà còn là một giống bưởi thơm ngon, nổi tiếng nhất vùng.
Xếp quả cho cây Vào những ngày này, khách hàng các nơi liên tục tìm đến nhà ông Hùng để đặt giống bưởi đỏ. Hôm chúng tôi đến nhà, ông Hùng đang chuẩn bị đi kiểm tra vườn bưởi. Năm nay, dù đã 78 tuổi, nhưng nom ông còn khỏe lắm: Nước da vẫn đỏ au, giọng nói rổn rảng, vang như chuông đồng buổi sớm. Biết có khách đến chơi và hỏi thăm về giống bưởi đỏ, ông liền dẫn chúng tôi ra vườn để hiểu hơn về giống bưởi quý mà ông đã tuyển chọn được. Khu vườn nhà ông rộng chưa đầy 1ha, được phủ kín bởi bóng mát. Từng cây bưởi vững chãi, tán xòe rộng. Mỗi cây bưởi tựa như có “bà tiên” nào đó đã dùng phép thuật gắn quả lên cành vậy. Cây nào cũng chi chít những quả như muốn kéo từng cành xuống đất. Từng quả bưởi to, mọng và nhẵn bóng đang đung đưa dưới nắng chiều.
Mỗi cây bưởi của ông Hùng đều đạt kỷ lục về số quả.
Nhìn vườn bưởi của mình với thái độ đầy tự hào,
ông Hùng khoe: “Vườn bưởi của tôi sai nhất miền Bắc này. Riêng năm ngoái có 1 cây bưởi đỏ đạt kỷ lục 700 quả”. Mới nghe ông Hùng nói vậy, ai cũng khó lòng hình dung ra 1 cây bưởi có tới 700 quả, mà quả nào cũng đạt chất lượng và đẹp mã. Tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi được một nhà báo ở Đài Phát thanh - Truyền hình Hòa Bình xác nhận, hồi cuối năm 2012, Đài đã đến nhà ông Hùng làm riêng một chương trình về cây bưởi đạt kỷ lục về số quả này và hiện băng hình phóng sự đó vẫn còn lưu lại.
Giữa trưa nắng thu hanh hao, ở dưới tán bưởi nhà ông Hùng mà chẳng ai muốn lỡ rời nửa bước. Cây bưởi nào cũng sai trĩu quả, tỏa hương thơm mát như muốn níu chân người khách lạ. Hiện trong vườn nhà ông Hùng có 2 giống bưởi mà ông đã tuyển chọn thành công là bưởi đỏ và bưởi da xanh của miền Nam. Bưởi đỏ được coi là giống quý ở miền Bắc và đây là giống cây chủ lực ông muốn nhân rộng. Năm ngoái, ông Hùng đã bán được 20.000 đồng/quả, bưởi da xanh được 60.000 đồng/quả. Chỉ với hơn 100 cây bưởi, ông đã thu về gần 400 triệu đồng. Thu hoạch từ quả chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch mở rộng sản xuất của ông Hùng. Vì đây là giống bưởi quý lại dễ trồng và chăm sóc nên ông đang tích cực nhân giống để
bán cho bà con quanh vùng.
Mỗi năm, vườn bưởi nhà ông cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây giống. Ai đến mua cây cũng được ông Hùng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ từng công đoạn. Theo ông Hùng, bưởi đỏ tuy không kén đất, nhưng nó lại phải được chăm sóc đúng lúc. Nghĩa là khi nào bón phân, khi nào tưới nước, lúc nào dừng bón phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ông Hùng cho biết, khi trồng cây phải để lá cây chếch theo hướng đông – tây để cây có thể đón nhận được ánh sáng tốt nhất. Trước khi trồng, ngoài việc chộn phân chuồng, vôi bột với đất, cần phải bỏ thêm khoảng 2 xẻng cát dưới gốc. Việc này vừa làm mát gốc vừa chống mối xông vào thân cây. Đây là những kinh nghiệm xương máu sau mấy chục năm ông Hùng mới đúc rút được.
Kiên trì tìm ra giống bưởi quýÔng Hùng sinh năm 1935, suốt thời trai trẻ ông gắn liền với cây súng bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1974, sau khi bị thương, ông rời quân ngũ chuyển về làm lái xe cho Tỉnh ủy Hòa Bình, đến năm 1985 thì ông Hùng nghỉ hưu. Suốt mấy chục năm làm việc nhà nước nhưng những ngày được nghỉ về quê, ông luôn có ý thức chăm sóc vườn cây của mình.
Từ ngày có vườn bưởi, cuộc sống của gia đình ông ngày một khấm khá hơn. Năm nay bưởi lại được mùa, ông bán với giá 25.000 đồng/quả. Ước tính hơn 100 cây bưởi cho thu hoạch, ông thu về khoảng nửa tỷ đồng. Trước khi chúng tôi rời vườn bưởi, ông Hùng cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Làm nông nghiệp không nhanh, không vội được. Muốn thành công phải có lòng kiên trì và nhẫn nại”.
|
Những năm 1990 - 1991, ông Hùng là một trong
những người tiên phong của xã Thanh Hối hưởng ứng chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc. Gần 12ha đồi hoang được ông kiên trì khai phá, trồng cây. Cuộc sống của vợ chồng ông khi đó còn gặp nhiều khó khăn, với đồng lương ít ỏi khiến ông quyết định bắt tay vào làm kinh tế để thay đổi cuộc sống. Với mảnh vườn chỉ rộng chưa đầy 1ha, ông trồng vào đó mía tím, mơ, mai, mận, vải... kết hợp nuôi lợn, gà để mở rộng nguồn thu, tránh lãng phí. 24 năm gắn với nghiệp làm vườn, ông không thể quên vụ gừng trâu thất bại năm 1993. Trầy trật tích cóp, thậm chí phải đi vay mượn ngân hàng, ông có được 28 triệu đồng dốc hết vào cây gừng trâu, để rồi cuối vụ chất đống dưới chân đồi sau nhà, không thu được một đồng vốn.
Khó khăn đâu dừng lại ở đó, vốn liếng sau nhiều lần thất bại đã hết sạch, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con… tất cả mọi việc xảy ra khi ấy như muốn chống lại ông. Trong lúc khó khăn và gian nguy nhất, tinh thần và bản lĩnh vững vàng của người lính Cụ Hồ năm xưa trong ông lại trỗi dậy. Ông vẫn nuôi ý chí làm giàu. Ông vẫn tin rằng, nếu có tâm huyết và quyết tâm làm đất sẽ không phụ công người.
Một lần ông về quê ăn giỗ mẹ ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (Hà Nội). Nơi đây trước kia có đồn điền của Pháp. Sau giải phóng, Lâm trường Ba Vì về tiếp quản, khi ấy ở khu đất này có rất nhiều cây như cau, cam, quýt, bưởi… nhưng chúng bị phá bỏ rất nhiều, chỉ còn lại 2 cây bưởi. Ông Hùng đã hái thử 1 quả và khi bổ ra, thấy quả bưởi này có màu rất lạ. Múi bưởi đỏ như máu, ăn vào có hương vị rất ngon, ông đã nảy ra ý nghĩ sẽ chiết vài cành về trồng thử ở xứ Mường.
Sau 3 năm giống bưởi này mới bói. Ông vẫn còn nhớ như in, cái cảm giác lần đầu tiên hái bưởi trên cây xuống bổ và ăn thử: Múi bưởi vừa dài, thon, tép mọng, có màu đỏ au, ăn vào ngọt lịm khiến mệt mỏi trong người tiêu tan. Khi đó, ông Hùng mừng như người bắt được vàng, ông đã không quản ngại ngày đêm để nhân giống, mở rộng diện tích trồng giống bưởi quý đó. Qua tài liệu ông thu thập được, đây là giống bưởi mà người Pháp đã đưa sang trồng tại đồn điền Ba Vì. Sau nhiều năm, giống bưởi này đứng trước nguy cơ bị thoái hóa và biến mất. Rất may đợt đó, ông đã chiết được một số cây từ cây bưởi gốc tại Ba Vì. Về xứ Mường, ông nâng niu và chăm sóc chúng như con của mình vậy. Sau vài năm, cây bưởi này lớn dần, lượng quả cũng sai hơn. Nhận thấy đây là giống bưởi quý, ông đã từng bước cải tạo giống và phát triển nhân rộng.
Qua nhiều năm trồng trọt và nghiên cứu và qua những chuyến tham quan các
trang trại, mô hình ở khắp nơi, ông đã học hỏi và tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định, từ đó áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ việc chỉ bán cho người dân địa phương, dần dần những thương lái ở nơi khác cũng biết đến vườn bưởi đỏ của ông nhiều hơn. Theo ông Hùng, bí quyết để cho ra đời những cây bưởi sai trĩu quả rất đơn giản, đó là phải kiên trì và chịu khó học hỏi. Có một lòng một dạ với cây bưởi thì chúng mới không phụ lòng người trồng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng tạo danh tiếng cho những quả bưởi nhà ông hôm nay. Ông Hùng còn có cách “hãm” tự nhiên, khi bưởi hái xuống có thể để vài tháng mà bưởi vẫn giữ nguyên được chất lượng mà không bị hỏng.
Nguyễn Xuân Tuấn (Nguyễn Xuân Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.