Ông Yên “cá đẻ” ở Điện Biên

DU AN Thứ năm, ngày 10/07/2014 07:10 AM (GMT+7)
“Mình là nông dân, đã không trồng trọt thì phải chăn nuôi. Nuôi vịt cũng được, nhưng tại mình có máu… thích thay đổi nên chuyển sang nuôi cá”. Từ suy nghĩ đó, ông Trần Văn Yên (ở đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã trở thành “chuyên gia” nuôi cá đẻ.
Bình luận 0

Từ vịt đến cá

Giờ ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Yên vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên ở mảnh đất này. Hôm rời quê lúa Thái Bình, chiếc xe ca ốm yếu phải “đắp chiếu” ở Mường Ẳng và ông phải chong mắt “ngủ ôm” với bụi chó đẻ, để rồi sáng ra lê bước mãi quá chiều mới đến nơi xa lạ.

Ở Điện Biên không là xã viên - tất nhiên không có ruộng và nhiều thứ nhu yếu phẩm cần thiết khác. Để kiếm được miếng ăn qua ngày, ban đầu ông Yên đã lựa chọn nghề chăn vịt. Lúc ấy (năm 1982), ở Điện Biên chăn vịt không khó, thóc rụng, sâu bọ, ruộng thả mênh mông, vịt cứ việc căng diều để đêm về ra trứng. Mỗi sáng ông có 2 bung trứng ra chợ. “Lúc ấy, tôi hoàn toàn quyết định giá chợ, bởi trứng vịt, mình là độc nhất vô nhị. Hôm nào thong thả thì bán 1 đồng/quả, hôm nào vội vội chán chán thì ừ cho nhanh, bán 8-9 hào/quả” - ông Yên kể lại.

Đi trước thiên hạ, chẳng ai cạnh tranh như bây giờ thì giàu to, nhưng trong cái khuôn vô tư, tất yếu một thời nên “của cải” tích lũy của ông Yên chỉ là bạn bè và kinh nghiệm. “Tính mình hoang, lại mới lên Điện Biên thích thêm bạn bè, nên chả nghĩ chủ quán chặt chém này nọ, nhiều hôm từ chợ vào, có đĩa thịt chai rượu mà hết hẳn bung trứng” - ông Yên cười, tự họa mình.

Năm 1987, ông Yên đến với ao cá như là một phép cộng tất yếu. Những tháng ngày mưa nắng lội ruộng chăn vịt, bùn nước óc ách cả vào giấc ngủ; những buổi gò lưng đạp xe, phơi mặt bán trứng ngoài chợ, ý nghĩ phải nuôi cá lóe sáng.

Ông Yên quả quyết: “Mình là nông dân, đã không trồng trọt thì phải chăn nuôi. Nuôi vịt cũng được, nhưng tại mình có máu… thích thay đổi”.

Sau mấy năm nuôi cá thịt, vốn hiểu biết về “bọn” chép, trắm, mè, rô phi… cũng hòm hòm. Một lần khan ao, bán cá, cầm tiền, nhẩm tính, ông mới giật mình - riêng khoản giống đã “ngoạm” một tỷ lệ khá cao, trừ thức ăn, không tính công mà phần còn lại không còn bao nhiêu. “Tại sao không chủ động cá giống? Chẳng lẽ, cứ giơ cổ cho người ta “cắt” mãi à?”. Nghĩ là làm, vụ sau ông găm hết bọn chép, trắm khỏe mạnh (được khoảng hơn 1 tấn) chuẩn bị cho mùa sinh đẻ.

Qua quá trình nuôi, ông đã có kiến thức thực tế cơ bản (học hỏi những người đi trước, sách vở, tự đúc rút kinh nghiệm) nhưng quả thật khoản cá đẻ ông chưa tự tin lắm. Vậy là tầm sư học đạo. Đầu tiên là mời thầy về xây bể. Tiếp theo là về Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I Hà Bắc rước thầy cá đẻ lên. Ông thầy này (…thôi không nói tên) có số có má, tiếng tăm mát tay vang lừng. “Tôi nuôi thầy trong nhà đúng 3 tháng, cơm rượu, đối đãi như bậc sư phụ. Nhưng kết quả còn lại là: 0-0-0… cá không đẻ, người không niềm tin, cả nhà không có tiếng cười...” - ông Yên cười nhớ lại.

Chuyên gia nuôi… cá đẻ

Tiền mất, bực tức mang, chán ngán ngập tràn. Tại ai? Mình làm mình chịu kêu mà ai thương. Rồi ông nói: “Khi chưa nắm vững quy luật của con cá bố mẹ, chưa biết xây cái bể như thế nào đã lao đầu vào làm thì chỉ có chết thôi. Dục tốc bất đạt, tôi chả oan nỗi gì”.

“Vậy sau những ngày tang thương ấy, ông gượng lại như thế nào?” - tôi hỏi. “Gượng cái gì đâu, lúc đó tôi phải bình tĩnh lại để tính toán, mà lúc ấy cũng chẳng còn vốn đâu mà khôi phục nhanh. Những ngày sau đó tôi nằm dài trong lều, bắt vạ 2 bộ Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc. Thú thực, đầu óc tự nhiên vô cảm với chuyện làm ăn. Họa vô đơn chí, thời gian ngắn sau đó gia đình cũng gặp sóng… tan nát” - ông Yên kể.

Buồn chán không ở được lâu, bản tính say làm trỗi dậy. Cái ao con cá lại gọi ông. Sau hơn năm tỉ mẩn hết lượt cá bố mẹ của ao nhà, cộng với học hỏi, mẻ cá giống đầu tiên đã ra đời. Tiếp theo là cả một chặng đường hồi hộp: Ương, gột, chế độ chăm sóc đặc biệt với cá sơ sinh… Rồi sau đó, trải thêm mấy vụ điều chỉnh, kết luận. Hôm mẻ cá giống đầu tiên xuất ao, một khách hàng nhìn ông Yên sung sướng nói to: … Nơi sinh: Ao nhà ông Yên, đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, điện thoại 098...

Khi hỏi về bí quyết nuôi cá đẻ, ông Yên không giấu giếm: “Chả có bí quyết gì đâu. Muốn thành công, cái bền vững quan trọng là nuôi cá thì phải hiểu tận gan ruột nó, mình mắt thấy, tay sờ, tai nghe và… cả giác quan thứ sáu nữa. Có được các loại giác quan ấy phải từ mồ hôi nước mắt - ăn cá, ngủ cá, mơ thấy cá...Đi học trường lớp dăm bảy năm mà không thực tế khắc nghiệt dạy bảo cũng lớ ngớ, phá sản như chơi”.

Nói đoạn, ông Yên chia sẻ tiếp: “Ao nuôi cá đẻ không tới mức phải cầu kỳ, bờ xây hay đất đều được miễn là sâu, khoảng mét tư. Cá bố mẹ tất nhiên là chọn con khỏe mạnh, không dị tật. Vấn đề cốt yếu là xem con mẹ, trứng đã chín đúng độ chưa (màu trứng xanh là còn non, đục đục là đã chín vừa độ). Còn con bố, phải biết lúc tinh trùng mạnh nhất, bằng dụng cụ chuyên dụng kiểm tra. Khi cá vợ cá chồng đều đạt chuẩn thì lập tức ta tiêm thuốc kích thích cho cả hai, liều lượng điều khiển cho khớp khít nhịp nhàng em đẻ, anh phối, đảm bảo đậu trên 90%”.

Khi ổn định chủ động sản xuất cá giống, thì ông Yên bắt sang tôm càng xanh. Biết là điều kiện ao nhà không được tốt lắm - nhiều bùn, nước kém ôxy nhưng ông quyết tâm khắc phục. Đó là cái ao đầu nguồn (móng rộng 0,8m, ao sâu 1,5m) làm nhiệm vụ điều tiết, nước từ mương đồng lúa sẽ vào đó lắng đọng sạch sẽ hết độc, rồi theo hệ thống đường ống ngầm đi các ao bên dưới.

Hiện nay, 2 ao tôm, hơn một vạn con giống đã thả gần 2 tháng, phát triển tốt, đến tháng 8 này, sẽ có 3 tạ ra thị trường. Tôm càng xanh là mũi nhọn, cùng với nền gốc cá giống (chép, trắm) trung bình trừ chi phí, mỗi năm ông có dư 500 triệu đồng.

Nói theo kiểu báo cáo thành tích, thì như thế nhưng trong làm ăn, thành bại luôn luôn song hành, nhất là nuôi trồng thủy sản rủi ro cao. Ông Yên kể: Đầu năm vừa rồi, anh đen quá. Một tấn trắm giống, đã bằng ngón tay, bị dịch phải đổ đi, một trăm triệu tiền tôm ương cũng trắng bảng, vị chi là 300 trăm triệu theo mây khói… Nếu như cách đây mười năm thì anh lại đấm ngực, nằm dài than thở nhưng giờ ung dung, giời xoay thế nào mặc kệ nó, mình vẫn say làm… Có đen thế, đen nữa, mấy năm liền vẫn không hết được tài sản”.

Tự tin, say mê, tỉ mỉ, luôn chia sẻ với mọi người - nói ngắn gọn về ông Trần Văn Yên là như thế.

Năm năm nay, Hợp tác xã Thủy sản Thanh Chăn do ông làm chủ nhiệm là một điểm sáng của xã nông thôn mới Thanh Chăn, của tỉnh Điện Biên. Với 12 xã viên, tổng diện tích mặt nước hơn 10ha, chuyên sản xuất cá giống, thu nhập bình quân: 5 triệu đồng/người/tháng.

Có được con số ổn định ấy ai cũng thấu bàn tay dìu dắt kỹ thuật, tấm lòng của ông Yên. Hầu như lần giao cá giống nào, ông Yên cũng đến tận ao chỉ bảo hướng dẫn. Có lẽ vì tận tình trách nhiệm như thế nên gia đình ông, hợp tác xã luôn song hành phát triển. Và phần lớn các hộ nuôi cá trong lòng chảo Mường Thanh, các xã vùng ngoài diện 135 đều chọn lấy con giống của hợp tác xã ông Yên.

   Điều kiện Mường Thanh rất thuận lợi cho nghề cá phát triển. Nhiều hộ nông dân thoát đói nghèo, trở nên giàu có. Uống nước nhớ nguồn, họ luôn nhớ đến ông Trần Văn Yên, “người cá, người tôm” ở đội 7, Thanh Chăn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem