Pang Phoóng và sự kết nối quá khứ - hiện tại

Thứ hai, ngày 24/02/2014 13:15 PM (GMT+7)
“Muốn ấm no phải lo nương rẫy/ Để hạnh phúc phải nhớ lấy tục Pang”, lời nhắc nhở ấy của tiền nhân dường như đã ăn sâu vào tâm thức dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Bình luận 0
Pang được nhắc tới ở đây là Pang Phoóng (Pang dịch ra là lễ hội cúng, Phoóng là tổ tiên) chính là nghi lễ cúng tổ tiên hàng năm để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt, mùa màng được tươi tốt, bội thu, thóc ngô đầy nhà, trâu bò chật bãi đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.

Già bản Nậm Mu kể rằng, Lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ một huyền tích mờ xưa gắn với câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành mỹ nữ.
(Ảnh: SVHTTDL Điện Biên)
Nghi lễ cúng tạ ơn tổ tiên, trời đất (Nguồn ảnh: SVHTTDL Điện Biên)

Kết quả của tình yêu mê đắm ấy là một đứa trẻ đẹp như tranh vẽ ra đời nhưng khi cả bản làng biết người mẹ trẻ xinh đẹp ấy chính là vượn cái hóa thành thì ai cũng xôn xao, dò xét, đàm tiếu. Xót thương con trẻ và người chồng yêu quý, nàng vượn đã quyết bỏ ra đi. Nàng dặn chồng hãy thay nàng nuôi con.

Hãy nhớ ngày nàng mãi mãi lìa xa chàng. Sau mùa gặt hái chàng hãy hái hoa bầu, hoa bí, chọn 36 củ khoai lang, 36 củ khoai sọ, 36 miếng bí đao, 36 miếng bí đỏ, 36 ngọn rau, 36 miếng thịt, đồ 1 gói xôi cẩm, 1 gói xôi cốm và làm 2 ống rượu cần bằng tre cùng 4 cần hút để làm cỗ tưởng nhớ về nàng. Từ đó mà Lễ hội Pang Phoóng của đồng bào Kháng ra đời để tỏ lòng nhớ thương, biết ơn Mẹ Vượn.

Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Kháng phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Thông qua một buổi họp bàn, ông trưởng họ sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Mỗi người giữ một nhiệm vụ như: Trang trí lại nhà cúng thần, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, mời thầy cúng đến làm lễ, mời bà con các dòng họ khác đến dự cùng.

Mỗi lần lễ hội diễn ra, các gia đình trong dòng tộc nô nức kéo về hội tụ để cùng tưởng nhớ về "Mẹ Vượn" và sau khi các nghi lễ hoàn thành, mọi thành viên trong dòng họ cũng như khách dự đều hào hứng, vui vẻ, cùng nhau quây quần ăn uống, nhảy múa, ca hát... Đây cũng là dịp họ hàng, anh em, bạn bè, trai tài gái sắc gặp nhau sau những ngày tháng lao động vất vả để cả bản Nậm Mu cùng hân hoan trong không khí linh thiêng mà ấm áp tình người của Lễ hội Pang Phoóng.

“Dù thời gian và năm tháng có qua đi nhưng chắc chắn Lễ hội Pang Phoóng của người Kháng ta sẽ còn mãi bởi nó như sợi dây linh thiêng kết nối quá khứ với hiện tại, tạo nên sự gắn kết cộng đồng và gửi gắm sâu sắc trong đó là thông điệp nhân văn luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng tộc vạn sự may mắn, tốt đẹp...” - già Mùa A Sinh khẳng định.
Vinh Minh (Vinh Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem