Sáng 27.3, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan về "Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em".
Đối tượng Cao Mạnh Hùng bị khởi tố tội Dâm ô với trẻ em xảy ra ở quận Hoàng Mai, Hà Nội gây chú ý dư luận.
Báo cáo về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, đại tá Hoàng Văn Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết: Từ năm 2014 đến năm 2016 trên toàn quốc phát hiện 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 4.320 đối tượng gây án. Phân tích theo tội danh, về tội Hiếp dâm trẻ em xảy ra 1.495 vụ với 1.615 đối tượng xâm hại 1.474 nạn nhân; tội Cưỡng dâm trẻ em xảy ra 22 vụ với 22 đối tượng xâm hại 22 nạn nhân; tội Dâm ô xảy ra 556 vụ với 565 đối tượng xâm hại 596 nạn nhân; tội Giao cấu với trẻ em xảy ra 2.074 vụ với 2.118 đối tượng xâm hại 2.052 nạn nhân.
Theo đại tá Vĩnh, qua phân tích điều tra thấy nhân thân của các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là đối tượng chưa có tiền án, tiền sự, có quan hệ gần gũi với nạn nhân, có thể là hàng xóm hoặc họ hàng của nạn nhân. "Trong đó, đáng chú ý có một số đối tượng nước ngoài đến Việt Nam gây ra những vụ dâm ô với trẻ em" - đại tá Vĩnh cho biết.
Vẫn theo đại tá Vĩnh, nghề nghiệp của những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em tương đối đa dạng, có cả thành phần là cán bộ, công chức viên chức Nhà nước, thậm chí có cả trí thức, có đối tượng không nghề nghiệp. "Đặc biệt có một số thầy - cô giáo đã thực hiện hành vi gây ra những tổn hại cho trẻ em" - đại tá Vĩnh nêu.
"Về phương thức thủ đoạn phạm tội, các đối tượng đã lợi dụng trẻ em ở nhà một mình hoặc những nơi vắng vẻ để xâm hại; có trường hợp đối tượng cho trẻ em uống rượu, uống các chất kích thích khác để xâm hại tình dục; có trường hợp đối tượng phạm tội dụ dỗ trẻ em đi chơi tạo điều kiện thuận lợi để xâm hại tình dục; có nhiều vụ đối tượng đã làm quen trên mạng xã hội để dụ các em đi chơi rồi xâm hại tình dục" - đại tá Hoàng Văn Vĩnh cho hay.
Nói về những khó khăn, vướng mắc khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm cũng như việc điều tra đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại tá Vĩnh cho biết: Đối với công an ở một số địa phương, việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để lập hồ sơ ban đầu làm chưa được chặt chẽ, ảnh hưởng đến quy trình điều tra, cũng như việc củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý đối tượng có hành vi phạm tội.
Đại tá Vĩnh cũng nêu, thực tế một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em có thời gian điều tra, xác minh kéo dài hoặc phải tạm đình chỉ vụ án làm việc giải quyết bị chậm. Có những vụ án, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân thiếu sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, nguyên nhân là do gia đình nạn nhân mặc cảm sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em hoặc do gia đình nạn nhân đã thỏa thuận bồi thường với đối tượng gây án, khi đối tượng trây ỳ không chịu thực hiện theo cam kết lúc đó gia đình nạn nhân mới tố cáo.
"Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đều không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi năng lực hiểu biết hạn chế, tâm lý dễ bị kích động, thường có sự hoảng loạn nên việc khai báo ban đầu trong một số vụ án chưa chính xác" - đại tá Vĩnh cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.