Pháp đối mặt với nguy cơ mất điện diện rộng, vì sao lại thế?
Pháp đối mặt với nguy cơ mất điện diện rộng, vì sao lại thế?
Lê Phương (Reuters)
Thứ bảy, ngày 10/12/2022 18:35 PM (GMT+7)
Pháp đang chuẩn bị cho tình trạng mất điện có thể xảy ra trong những ngày tới khi nhiệt độ giảm đẩy nhu cầu của người dân lên cao, trong bối cảnh tập đoàn điện lực Pháp (EDF) gặp khó trong việc tăng cường dây chuyền sản xuất.
Pháp là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân nhiều nhất trên thế giới, nước này sản xuất hơn 70% điện năng với 56 lò phản ứng và cung cấp khoảng 15% tổng điện năng của châu Âu thông qua xuất khẩu.
Tuy nhiên, EDF đã phải tạm dừng một số lượng lớn các lò phản ứng để bảo trì trong năm nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn đối phó với việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga dùng để sản xuất điện.
Chính vì vậy, sản lượng hạt nhân của Pháp đang ở mức thấp nhất trong 30 năm, buộc nước này phải nhập khẩu điện và chuẩn bị các kế hoạch cho tình trạng mất điện có thể xảy ra do nhu cầu sưởi ấm tăng cao.
Vấn đề của EDF
Mặc dù việc bảo trì diễn ra hàng năm, nhưng trong năm nay, một số lò phản ứng đã gặp hiện tượng ăn mòn ứng suất (Stress Corrosion) trên đường ống.
Theo yêu cầu của cơ quan giám sát an toàn hạt nhân Pháp, EDF đang trong quá trình kiểm tra và sửa chữa toàn bộ lò phản ứng kể từ khi phát hiện các vết nứt trong các đường ống hàn nối trong một lò phản ứng vào cuối năm ngoái.
Pháp không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong khi các lò phản ứng ngừng hoạt động để bảo trì. Bên cạnh đó, nước này cũng thiếu thợ hàn và các công nhân đủ trình độ để có thể ngay lập tức sửa chữa, đưa các lò phản ứng hoạt động trở lại bình thường.
Pháp đang làm gì để giải quyết tình trạng này?
Trong ngắn hạn, chính phủ đang lên kế hoạch cắt điện luân phiên để đảm bảo nguồn điện.
Bên cạnh đó đó, EDF và các công ty khác trong ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp đang nỗ lực tuyển dụng thêm thợ hàn, thợ lắp đường ống..., thậm chí còn thành lập một trường học mới để tăng cường đào tạo.
Tổng thống Emmanuel Macron muốn có một cú hích mới về năng lượng hạt nhân và đã cam kết xây dựng 6 lò phản ứng mới, ước tính gần 52 tỷ euro (55 tỷ USD).
Bước đầu tiên, chính phủ đang trong quá trình mua lại các cổ đông thiểu số của EDF và quốc hữu hóa hoàn toàn nhóm nợ nần chồng chất, điều mà chính phủ cho là cần thiết để thực hiện các khoản đầu tư dài hạn vào các lò phản ứng mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.