“Phát canh thu tô” trên đất công

Thứ ba, ngày 16/08/2011 17:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - UBND tỉnh Tiền Giang giao 224ha đất công ở xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước cho Phòng Hậu cần Công an tỉnh để sản xuất. Những người được cấp đất lại đem cho thuê lại để hưởng chênh lệch...
Bình luận 0

Đất công cho thuê lòng vòng

Trong số diện tích mà Phòng Hậu cần đang quản lý, ông Nguyễn Văn Tổng (nông dân xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) ký hợp đồng thuê 80ha từ năm 2006. Trong số này, ông Tổng “đứng tên giùm” cho ông Hồ Tấn Son (nông dân ấp 5, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) 30ha.

Sau khi được thuê lại với giá 3 triệu đồng/ha, những người này cho các nông dân khác thuê lại với giá 5 triệu đồng/ha. DNTN Năm Vàng cũng thuê lại của công an 50ha để đào ao nuôi cá.

img
Nông dân xã Thạnh Hòa đang phải thuê lại đất của Nhà nước để canh tác qua nhiều nấc.

Cũng tại xã Thạnh Hòa, ngoài diện tích 224ha được xác định là đất công này, có 176ha đất có nguồn gốc là đất công đã được chuyển sang đất tư, do các cán bộ khác đứng tên nhưng không canh tác mà đem cho thuê.

Tương tự, tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, hàng chục cán bộ ở nơi khác là chủ sử dụng rất nhiều đất nông nghiệp nhưng không canh tác mà cho nông dân thuê lại trồng dứa, trồng tràm…

Ông Nguyễn Văn N- nông dân đang thuê 3ha đất trồng dứa tại xã Thạnh Hòa cho biết: “Chúng tôi nghe nói công an cho thuê với giá 3 triệu đồng/ha nhưng chỉ cho thuê với số lượng lớn. Để có đất sản xuất, tôi và một số nông dân khác phải thuê lại qua người khác với giá 5 triệu đồng/ha. Hình thức này chẳng khác nào “phát canh thu tô”.

Trong vai một người thuê đất để làm ao nuôi cá, chúng tôi liên hệ với một “chủ đất” tại xã Thạnh Hòa. Người này cho biết hiện hợp đồng thuê đất với công an tỉnh của nhiều nông dân như anh đang sắp hết hạn. Do đó, nếu có nhu cầu thuê đất phải chờ Công an tỉnh ký mới hợp đồng xem thời hạn cho thuê là bao lâu thì anh ta mới có thể tính chuyện cho thuê lại…

Cho thuê trái luật

Theo thống kê của Sở TNMT tỉnh Tiền Giang, toàn huyện Tân Phước có đến 3.947ha đất công thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tại xã Thạnh Hòa, trong khi người dân chỉ được giao 910ha đất để canh tác thì diện tích đất công được giao lên đến 1.623ha (toàn xã là 2.533ha). Nhiều nông dân đang phải thuê đất để sản xuất nông nghiệp.

Theo quy định của Luật Đất đai, đất công nếu giao cho cơ quan, đơn vị sử dụng mà cơ quan, đơn vị này không còn nhu cầu phải giao trả lại cho UBND tỉnh. Theo đó, chỉ những cơ quan, đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh hạ tầng thì mới được cho thuê.

img Toàn xã Thạnh Hòa có diện tích 2.533ha đất công. Tuy nhiên, quỹ đất công mà xã đang quản lý chưa đầy 6ha, số còn lại chủ yếu là đất trại giam và đất công an quản lý. img

Ông Dương Hoàng Linh - (Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa)

Trong khi đó, Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Tiền Giang chỉ có trong tay “Giấy kính gửi” số 113 ngày 4.2.2010 do một phó giám đốc Công an tỉnh ký về việc xin UBND tỉnh cho thuê 224ha đất mà phòng được giao. Dù số đất này đã được cho thuê từ lâu, nhưng “Giấy kính gửi” vẫn không có phê duyệt của UBND tỉnh.

Theo đại tá Nguyễn Hữu Trí – Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, số đất công này được UBND tỉnh giao cho ngành công an theo chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười trước đây. Nhận đất xong, Công an tỉnh đã đầu tư 3km đường điện, 8km đường kênh xả phèn và có lực lượng trực tiếp sản xuất. Tuy nhiên, mấy năm gần đây ngành công an giảm biên chế chỉ còn lực lượng chiến đấu nên số đất này không có nhân sự sản xuất.

“Nếu UBND tỉnh chưa phê duyệt mà Phòng Hậu cần đem đất cho thuê là sai. Tôi đã kiểm tra bước đầu và chưa thấy văn bản trả lời của UBND tỉnh. Tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin báo nêu để có hướng xử lý” – ông Trí nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem