Phát triển chè hữu cơ: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng

Nguyệt Phương Thứ hai, ngày 03/10/2022 06:29 AM (GMT+7)
Hiện nhiều vùng trồng chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi một phần diện tích chè sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, đem lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội và môi trường. Song các kết quả đạt được còn ở mức độ hạn chế, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ còn nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: "Phát triển chè hữu cơ gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm các tỉnh miền núi phía Bắc" tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Cả nước sản xuất hơn 1 triệu tấn chè

Theo báo cáo tại diễn đàn, tính đến năm 2021, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, diện tích đạt hơn 122.500ha, năng suất bình quân 97,4 tạ/ha, sản lượng chè đạt 1,087 triệu tấn. 

Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, chè là một trong những cây trồng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Đây là ngành được đánh giá cao bởi sản phẩm chè không những đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu thành công đi nhiều thị trường quốc tế. 

Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, các tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tăng cường chế biến sâu, gắn với liên kết tiêu thụ...

Phát triển chè hữu cơ: Hiệu quả nhưng khó nhân   rộng  - Ảnh 1.

Cây chè Shan tuyết Hà Giang có lịch sử lâu đời, được trồng ở nhiều huyện và TP.Hà Giang. Ảnh: N.P

Ông Hoàng Văn Hồng cho biết, các ý kiến tại diễn đàn sẽ được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các cơ quan chuyên ngành tiếp thu, tổng hợp để đề xuất Bộ NNPTNT có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất chè hữu cơ gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo ông Hồng, Chính phủ đã có chủ trương gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền, địa phương gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.

Bên cạnh đó, Bộ KHCN đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 về nông nghiệp hữu cơ, TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, Quyết định số 3965 ngày 26/12/2018 công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-6:2018 về Chè hữu cơ. 

Bộ NNPTNT cũng đã ban hành Chỉ thị số 711 về việc đẩy mạnh sản xuất chè an toàn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-132:2013/BNNPTNT đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế…

Nhiều địa phương đã ban hành các văn bản về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, chế biến chè. Theo ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang, hiện Hà Giang có trên 20.500ha chè, sản lượng hàng năm đạt 94.000 tấn. Đặc biệt, cây chè Shan tuyết được xem là cây trồng đặc sản của Hà Giang.

Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, năm 2011, tỉnh bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên trên diện tích khoảng 900ha. 

Đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, hữu cơ) là 11.611ha/65 vùng/63 cơ sở, chiếm khoảng 61,25% diện tích chè toàn tỉnh. Trong đó, diện tích chè VietGAP là 4.858,6ha, diện tích chè hữu cơ là 7.071ha.

Gỡ khó cho cây chè hữu cơ

Phát triển chè hữu cơ: Hiệu quả nhưng khó nhân   rộng  - Ảnh 3.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng thực tiễn sản xuất chè cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được tháo gỡ, như: Thói quen chăm sóc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và phân hoá học, chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật canh tác của người nông dân; vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân khi chuyển sang sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ... còn hạn chế. 

Một số bà con cho biết, chè được trồng theo hướng hữu cơ, nhưng giá bán cũng như chè bình thường nên bà con không mấy mặn mà theo đuổi hướng hữu cơ.

Tại diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có tham luận về thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển chè hữu cơ tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè cũng giới thiệu một số tiến bộ mới về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến chè hữu cơ.

Trong đó, đại diện Cục Trồng trọt nhấn mạnh các vùng trồng chè trọng điểm cần tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tạo điều kiện và giúp đỡ các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Xây dựng và tuân thủ quy hoạch phát triển vùng sản xuất chè gắn với nâng cao chất lượng.

Phía Hiệp hội Chè Việt Nam đề nghị, trong công tác quản lý về sản xuất chè hữu cơ, cần tập trung vào việc quản lý đầu vào trong sản xuất chè; xây dựng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ; kiểm tra, giám sát và xử lý sau chứng nhận nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng của sản phẩm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem