Phát triển kinh tế nông thôn để nông dân “ly nông không ly hương”

Thu Hà Chủ nhật, ngày 29/05/2022 13:48 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 đã gây ra làn sóng di cư hồi hương. Đây cũng là trăn trở của nhiều cán bộ, hội viên nông dân gửi đến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4, năm 2022, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức sáng nay 29/5.
Bình luận 0

Trăn trở khi chứng kiến khi đoàn người hồi hương

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, tại Hà Tĩnh cũng có rất người lao động từ các thành phố lớn hồi hương.

Là đại biểu được tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam 2022, ông Võ Viết Minh Châu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bày tỏ: "Tôi rất mong chờ, phấn khởi khi được đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Chứng kiến từng đoàn người ở quê hương tôi và các nơi khác phải đi xe máy vượt cả nghìn km để bỏ về quê do tác động bởi đợt Covid-19 vừa qua, chúng tôi thấy rất xót xa và trăn trở. Khi về quê họ cũng không có việc làm, thu nhập".

"Tại Hội nghi Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022, tôi hỏi và kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ những giải pháp, chính sách nào để giúp người nông dân lên thành phố ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt là có giải pháp để chuyển đổi lao động, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương?" - ông Châu nói.

Phát triển kinh tế nông thôn, để người nông dân “ly nông không ly hương” - Ảnh 1.

Ông Võ Viết Minh Châu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phấn khởi khi được là đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam 2022

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Lại Thị Loan - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tỉnh Đăk Lăk đã tiếp nhận hơn 160.000 người lao động từ vùng dịch hồi hương. Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát lao động là con em của các gia đình hội viên nông dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về, từ đó có giải pháp cụ thể để hỗ trợ. Nội dung khảo sát gồm 14 nội dung, hơn 1.000 người đã tham gia cuộc khảo sát bằng phiếu trên điện tử và trên giấy.

Trên cơ sở thông tin thu thập được từ cuộc khảo sát này, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với các sở, ngành liên quan để có sự hỗ trợ cụ thể về dạy nghề, tìm việc làm, vay vốn, hỗ trợ sản xuất... cho nông dân.

Bà Loan giải thích: Đắk Lắk có những vùng đất màu mỡ, nhưng cũng có những vùng đất cằn cỗi, chỉ thích hợp với một số loại cây trồng nhất định. Dân số ngày càng tăng, đất đai thì hữu hạn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân.

Hiện tại, tỉnh có rất ít nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Nông sản tới mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào việc tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất sang một số thị trường truyền thống. Kể cả ở khu vực thành thị và nông thôn, số người trong độ tuổi lao động nhiều. Các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh không giải quyết hết hết nguồn lao động tại tỉnh. Vì vậy, nhiều người phải ly hương, tìm việc ở những tỉnh, thành lớn.

Ông Hồ Ngọc Đại – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Đối với nông dân nghèo, khi chấp nhận tha hương cầu thực, cuộc sống của họ khi hồi hương vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình có thể vẫn có ruộng vườn, đất đai nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, hầu hết nông dân để có vốn sản xuất đều đã cầm cố đất đai để vay mượn ngân hàng.

Theo ông Đại, để nông dân, nhất là khu vực nông thôn có thể ổn định cuộc sống mà không cần phải tha hương thì cần phải có thời gian dài và có chiến lược cụ thể.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đăk Nông nêu kiến nghị: "Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp- nhất là các doanh nghiệp về nông nghiệp - đầu tư về địa phương nhằm giải quyết lượng lao động rất dồi dào ở khu vực nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân (về cả giống và kỹ thuật) để chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng".

Phát triển kinh tế nông thôn, "ly nông, không ly hương"

Trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Trong hội nghị đối thoại lần này, có nhiều kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất đó là chính sách dạy nghề, chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Phát triển kinh tế nông thôn, để người nông dân “ly nông không ly hương” - Ảnh 3.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN bắt tay, động viên các hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Lũng Cú. Ảnh: Minh Ngọc.

Thứ 2 là khi con em nông dân chuyển sang làm công nhân, lao động tại các khu đô thị, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách để những lao động này được thuê, mua nhà với những chính sách phù hợp với thu nhập của họ.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách căn cơ để lao động nông nghiệp chuyển đổi sang các khu công nghiệp có mức thu nhập ổn định, có chính sách để họ trở thành thị dân trong quá trình lao động, sản xuất tại các khu công nghiệp và tại đô thị. Thực tế hiện nay, công nhân có thu nhập thấp, không đủ để trở thành cư dân ở các khu công nghiệp, các khu đô thị.

Thứ 3, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, để con em nông dân khi trưởng thành có cơ hội phát triển kinh tế nông thôn, "ly nông, không ly hương". Điều này đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là thúc đẩy mạnh đô thị hoá ở nông thôn, để người dân nông thôn có mức thụ hưởng gần hơn so với khu đô thị.

"Đây là những kiến nghị, tôi cho rằng rất phù hợp, rất đúng và rất trúng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị đối thoại lần này"-Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem