Phép thử đường dây nóng và thái độ với truyền thông

Bạn đọc Phạm Văn Linh (Tịnh Hà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) Thứ sáu, ngày 26/02/2016 14:46 PM (GMT+7)
Việc Đà Nẵng từ chối phản hồi một trang thông tin điện tử tổng hợp vì cho rằng trang này là không phải báo chí chính thống gợi lên suy nghĩ về cách cơ quan công quyền ứng xử với truyền thông.
Bình luận 0

Gần đây, việc công bố đường dây nóng của lãnh đạo các tỉnh thành đã tạo nên bầu không khí chính trị sôi nổi. Khi những thông tin qua đường dây nóng được giải quyết, đó không còn là một cuộc chạy đua đánh bóng tên tuổi mà thật sự là một nỗ lực gần dân của những người đứng đầu.

Rất dễ hiểu khi người dân muốn biết việc công bố đường dây nóng có thực chất hay không. Phép thử đường dây nóng của trang thông tin điện tử có lẽ xuất phát từ tâm lý ấy. Theo thông tin công bố, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành uỷ không trả lời sau 2 tin nhắn.

Kết quả từ phép thử đường dây nóng, có lẽ chỉ để tham khảo... cho vui. Bởi ông bí thư bận trăm công nghìn việc, đâu thể ứng trực 24/7 mà trả lời ngay mọi tin nhắn tới. Nhưng việc Sở Thông tin& Truyền thông Đà Nẵng cho rằng thành phố không có trách nhiệm trả lời thông tin phản ánh trên trang thông tin điện tử trên và những trang tương tự là một thái độ phân biệt đối xử đáng buồn.

Một thông tin chỉ nên được xác định bằng tính xác thực của nó chứ không phải thông tin xuất phát từ chỗ chính thống hay không. Cũng không thể lấy lý do nguồn phát tin không chính thống mà quên mất việc lên tiếng về tính xác thực của nó.

img

Bên cạnh báo chí chính thống, các trang thông tin điện tử hoạt động dựa vào các báo có cơ quan chủ quản như một đặc thù của báo chí Việt Nam. Không thể phủ nhận ảnh hưởng của các kênh truyền thông này với công chúng để phân biệt đối xử và từ chối đối thoại.

Tương phản với thái độ phân biệt này là phản ứng của các cơ quan chức năng trước các thông tin trên mạng xã hội: CSGT Hà Nội xác minh thông tin người đàn ông tè bậy giữa đường, Quảng Nam phạt người tung tin đồn về nàng tiên cá trên mạng, công an phá án nhờ manh mối trên Facebook…

Thông tin trên mạng xã hội, một nguồn thông tin được coi là không chính thống khác đã được cơ quan nhà nước quan tâm. Không chỉ bởi sức mạnh của mạng xã hội, mà trong biển thông tin ngồn ngộn ấy, có những thông tin xác thực, hữu ích cho hoạt động quản lý. Và nếu thông tin xấu độc thì cũng kịp thời được đính chính để ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Một trang thông tin điện tử được chịu trách nhiệm bởi một pháp nhân, so với thông tin trên mạng xã hội, rõ ràng có tính xác thực cao hơn và đều bình đẳng khi chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đà Nẵng lâu nay vẫn nổi tiếng với những cách làm mới mẻ. Trong việc đối thoại với dân, việc lập trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp” từ năm 2013 là một cách làm điển hình mà nhiều địa phương khác đang học theo.

Đà Nẵng có tự mâu thuẫn với mình? Thông tin trên một trang thông tin điện tử không bình đẳng với phản ánh của một người dân trên Facebook?

Hơn nữa, hãy thử đặt câu hỏi rằng, Đà Nẵng "không có trách nhiệm phản hồi" thông tin về phép thử đường dây nóng trên một trang thông tin điện tử, thì khi một người dân bình thường phản ứng về hiệu quả hoạt động của đường dây nóng, ý kiến đó có được tiếp thu?

Trong lúc thông tin về đường dây nóng vẫn đang ồn ào trên mặt báo. Ngày 24.2, trước thông tin về đoạn clip lan truyền và gây hiệu ứng trên Facebook, ghi lại cảnh rừng Sơn Trà, nơi được xem là lá phổi của TP. Đà Nẵng bị đốn hạ và đốt phá, ông Trần Văn Lương-Chi cục trưởng chi Cục kiểm lâm Đà Nẵng nói với báo chí rằng sẽ cử lực lượng vào cuộc xác minh.

Tất nhiên, Facebook vẫn được xem là một kênh thông tin “không chính thống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem