Lý giải về việc xây dựng sân golf Hải Ninh, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC, cho biết quyết tâm đầu tư xây dựng quần thể sân golf, khu nghỉ dưỡng trên diện tích khoảng 2.000 ha chủ yếu là đất cát ven biển, không phải đất nông nghiệp như báo chí thông tin.
Bãi cát Bảo Ninh (TP Đồng Hới), một trong những địa điểm tỉnh Quảng Bình quy hoạch xây dựng tổ hợp sân golf. Ảnh: Hoàng Phúc
Trong khi đó, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì về các quy hoạch sân golf, cho biết chưa nhận được tờ trình của tỉnh Quảng Bình về việc đầu tư xây dựng 10 tổ hợp sân golf đẳng cấp quốc tế. Ông Thắng khẳng định các sân golf mà Quảng Bình thông tin chưa nằm trong quy hoạch. “Quảng Bình phải trình và đáp ứng đủ các điều kiện mới được cấp phép, còn không sẽ không được đầu tư. Nếu Quảng Bình xem việc đầu tư sân golf là hướng phát triển kinh tế, du lịch thì phải làm rõ khi đề xuất” - ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết thêm căn cứ quy định hiện hành, nếu đầu tư sân golf mà không phạm vào đất lúa, đất sản xuất công nghiệp thì địa phương sẽ được xem xét để cho đầu tư. “Quảng Bình có thể căn cứ vào yếu tố nào đó đề ra kế hoạch xây 10 sân golf nhưng xác đáng đến đâu thì các bộ - ngành phải xem xét đánh giá cụ thể. Tỉnh đề nghị là một chuyện, các bộ - ngành sẽ phải thẩm định lại, không phải nói đầu tư sân golf là làm được ngay” - ông Thắng quả quyết. Còn Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vũ Quang thì cho rằng “đến nay, không có địa phương nào đầu tư sân golf như đề xuất của Quảng Bình”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận quy hoạch sân golf không phải bất biến nhưng để được bổ sung vào quy hoạch, các bộ - ngành phải xem xét đề xuất của Quảng Bình. “Phải kiểm soát chặt việc xin đất làm sân golf, tránh đến lúc không hiệu quả lại chuyển sang khu đô thị, resort…” - ông Phúc lưu ý.
H.Phúc - T.Dũng (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.