Run rẩy qua cầu
Đã tròn một năm (từ tháng 10.2017), cây cầu Hà Tân bị mưa lũ làm lún nửa mét, việc thi công cầu mới để thay thế cầu cũ vẫn dậm chân tại chỗ. Người dân vẫn hàng ngày thấp thỏm khi qua cầu. Trong lúc đang vào mùa mưa bão, cây cầu có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.
Học sinh phải “vác” xe qua khối bê tông đã bị chặn ở đầu cầu Hà Tân để đến trường. Ảnh: Đoàn Hồng
Đã có nhiều phương án sửa chữa, xây mới cầu Hà Tân nhưng hiện vẫn còn “nằm trên giấy”.
Nguy hiểm rình rập học sinh đi qua cây cầu Hà Tân. Ảnh: Đoàn Hồng
Để đảm bảo an toàn, UBND huyện Duy Xuyên đã đổ bê tông chặn hai đầu cầu Hà Tân. Đồng thời, làm cầu tạm bằng cọc tre, lót ván gỗ (cách cầu Hà Tân khoảng 300m) để giải quyết giao thông cho người dân.
Thế nhưng mỗi ngày, hàng ngàn người dân từ trung tâm huyện Duy Xuyên đi qua Hội An làm ăn, buôn bán; người dân ở xã Duy Vinh đi làm đồng án, học sinh đi học chen chúc quá tải trên cây cầu gỗ.
Nếu chẳng may cây cầu gỗ bị sự cố, không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Thế là nhiều người phải chọn liều mình qua cầu Hà Tân đang bị hư hỏng, chắn bê tông hai đầu.
Cầu Hà Tân bị hỏng nên người dân đi qua cây cầu gỗ, rất nguy hiểm. Ảnh: Đoàn Hồng
“Dân ở đây rất bức xúc, mỗi lần đi làm ngoài đồng là mỗi lần cực khổ, học sinh đi học gặp trời mưa gió phải nghỉ hoặc liều mình qua. Mong muốn cấp trên làm lại cây cầu mới để nhân dân chúng tôi được đi lại thuận tiện hơn….” - một người dân xã Duy Vinh cho biết.
Trong lúc chờ xây cầu Hà Tân mới thì cây cầu gỗ này là giải pháp tình thế. Ảnh: Đoàn Hồng
Mong sớm xây cầu mới
Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch xã Duy Vinh cho biết, tháng 10.2017, khi cầu Hà Tân bị sụt lún, chính quyền địa phương đã cấm xe cộ lưu thông qua cầu. Để giải quyết lưu thông cho người dân, xã đã thuê thuyền để đưa dân qua sông. Tuy nhiên, chi phí đưa người dân qua sông quá lớn, xã không kham nổi.
Chính quyền đang làm mặt cầu bằng ván băng qua nhịp cầu Hà Tân bị lún, để người dân lưu thông tạm trong mùa mưa lũ năm nay. Ảnh: Đoàn Hồng
Đến tháng 3.2018, xã tiến hành làm cây cầu bằng gỗ tạm cách cầu Hà Tân khoảng 300m để người dân lưu thông. “Buổi sáng và chiều có cả ngàn người dân, học sinh lưu thông qua cây cầu gỗ, rất không an toàn…” - ông Sành chia sẻ.
Cũng theo ông Sành, mùa mưa lũ tới chắc chắn cây cầu gỗ sẽ bị lũ cuốn trôi. Địa phương đang tiến hành lát ván qua nhịp cầu Hà Tân bị lún, là giải pháp tình thế dù biết không an toàn. Xã rất mong muốn có một cây cầu mới cho người dân đi lại nhưng do thay đổi thiết kế nên đến nay vẫn chưa xây…
Trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Duy Xuyên cho biết, khi cầu Hà Tân bị sự cố, UBND huyện đã có báo cáo đề nghị tỉnh quan tâm sửa chữa. Kinh phí sửa chữa dự kiến khoảng 25 - 30 tỷ đồng, nhưng theo tư vấn thì vẫn không đảm bảo an toàn.
“Huyện Duy Xuyên đề xuất làm cầu Hà Tân mới ở ngay vị trí cầu cũ theo hướng mở rộng mặt cầu lên 7m với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, theo cơ chế tỉnh 70% kinh phí và huyện 30% kinh phí. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa, Sở GTVT Quảng Nam và huyện Duy Xuyên đề xuất phải thiết kế lại cầu có khổ cao để tàu thuyền du lịch và tàu cá công suất lớn có thể ra vào trú tránh bão dễ dàng…” - ông Phúc cho hay.
Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã đổ khối bê tông chắn hai đầu cầu Hà Tân. Ảnh: Đoàn Hồng
Ông Phúc nói thêm, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung quy mô xây dựng cầu Hà Tân khổ thông thuyền cấp V, bề rộng cầu 8m, với tổng mức đầu tư lên khoảng 75 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện đã trình thủ tục, hồ sơ và chờ tỉnh phê duyệt. Vì những lý do đó, nên cầu Hà Tân mới triển khai chậm, khiến người dân bức xúc. Nếu thủ tục thuận lợi và các cấp phê duyệt sớm dự án, huyện sẽ khởi công xây dựng cầu Hà Tân mới vào tháng 1.2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.