Quảng Nam: Nhiều HTX ở Duy Xuyên doanh thu hàng trăm triệu đồng nhờ các mặt hàng này
Quảng Nam: Nhiều HTX ở Duy Xuyên doanh thu hàng trăm triệu nhờ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 05:21 AM (GMT+7)
Thời gian qua, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã có những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế tập thể đã trở thành “chỗ dựa” cho kinh tế hộ phát triển, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu bền vững cho người dân.
Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: "Trong những năm qua, hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, từ 18 hợp tác xã năm 2012 tăng lên 29 hợp tác xã năm 2023.
Hoạt động của các hợp tác xã tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng phần lớn các đơn vị đã có nhiều cố gắng để phát huy vai trò là "bà đỡ" cho hộ nông dân trong các khâu dịch vụ đầu vào sản xuất như: làm đất, dịch vụ thủy lợi, cung ứng giống và vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật...".
Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp và người dân tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm chủ lực như: nếp giống, lúa giống, chăn nuôi heo, trồng nấm, dâu tằm, trồng ớt, trồng sen lấy hạt....
Điển hình như Hợp tác xã Duy Sơn, Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Hòa 2 đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, nếp giống với quy mô diện tích 280ha; Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Thu và Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Phú liên kết với người dân trồng cây ăn quả (ổi lê, bưởi da xanh) với diện tích gần 60ha; Hợp tác xã Duy Phú liên kết với người dân trồng và tiêu thụ hạt sen với diện tích 71,7ha; Hợp tác xã Lệ Bắc (xã Duy Châu) liên kết trồng ớt lai với diện tích 35ha. Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại Chổi đót Nhất Tuấn tích cực tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP)....
Vì vậy, có thể coi kinh tế tập thể mà trọng tâm là Hợp tác xã đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực, tham gia tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thời gian qua, huyện Duy Xuyên phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, làm cầu nối liên kết, hợp tác giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.
UBND huyện thường xuyên hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập và đang hoạt động chọn lựa mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, phương pháp tổ chức hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của thành viên gắn liền với quyền lợi của hợp tác xã.
Thực hiện Nghị quyết số 25 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên tiếp tục vận động tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở nông thôn. Nhất là trong giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giới thiệu và tổ chức cho nông dân điển hình tham quan học tập các mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác kiểu mới ở địa phương. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã như: đất đai, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ khoa học công nghệ....
Được đông đảo khách hàng biết đến với nhiều dòng sản phẩm từ nguồn nông sản của địa phương như: bột ngũ cốc, bột gạo lứt, trà gạo lứt, thanh gạo lứt hạt và rong biển, hạt sen khô Trà Lý.... Chị Phạm Thị Duy Mỹ – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn) chia sẻ: "Được sự quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi từ địa phương, thời gian qua, hợp tác xã đã kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.
Qua đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, sản phẩm được nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường không chỉ đối với người tiêu dùng địa phương mà còn khắp cả nước. Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Oanh đã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch của bà con nông dân tại địa phương, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng".
"Thời gian tới, huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn phát triển hiệu quả, bền vững và thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế của huyện. Từ đó nhằm không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác và quản lý một cách dân chủ, tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn", ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.