Quảng Nam: Nông dân huyện Nông Sơn "biến" đất hoang thành ruộng rau, đồng hoa mát mắt
Quảng Nam: Nông dân huyện Nông Sơn "biến" đất hoang thành ruộng rau, đồng hoa mát mắt
Duy Hoàng - Trần Hậu
Thứ tư, ngày 24/01/2024 18:40 PM (GMT+7)
Vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) có hàng trăm hecta đất được gieo trồng lúa và hoa màu các loại trên đồng đất vốn bị bỏ hoang nhiều năm. Cận Tết Nguyên đán 2024, bà con nông dân hối hả xuống đồng để chăm sóc cây trồng tươi tốt, với hi vọng sẽ gặt hái vụ mùa bội thu.
Thời gian qua, giá lúa trên thị trường tiếp tục tăng cao đã giúp nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn phấn khởi hơn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích đất canh tác bỏ hoang nay được bà con khai hoang, tái sản xuất với kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu nhập khá từ đồng lúa. Cùng với đó, công tác thủy lợi cũng được quan tâm triển khai, đảm bảo tưới tiêu hiệu quả hơn.
Theo số liệu từ ngành nông nghiệp huyện, xã Sơn Viên là địa phương thực hiện tốt công tác khai khẩn diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang do thiếu nước sản xuất trước đây. Trong vụ Đông Xuân năm nay, xã Sơn Viên có 170ha diện tích gieo sạ lúa, đạt 100,4% kế hoạch được giao.
Đây là một tín hiệu tích cực trong sự thay đổi tư duy của người nông dân về tích tụ ruộng đất, giúp giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, chất lượng lúa, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Người dân phấn khởi khi ruộng lúa phát triển xanh tốt, ít bị hư hại do thời tiết. Đồng thời, một số sinh vật gây hại như ốc bươu vàng, chuột cắn phá lúa mùa vụ này cũng ít hơn mọi năm.
Tại xã Quế Lâm, cây lạc và ngô vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương vụ Đông Xuân với diện tích gieo trồng đạt 130ha. Đặc biệt, cánh đồng Khe Canh của xã Quế Lộc được bà con nông dân cải tạo, trồng cây lạc và ngô sau nhiều năm bỏ hoang, bước đầu sinh trưởng thuận lợi, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng cơ bản hoàn thành việc xuống giống đối với các loại hoa màu đặc trưng.
Thời tiết tháng Chạp là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để người dân gieo trồng các loại rau ăn lá, chủ yếu là rau cải, xà lách, hành lá, ngò, tần ô… để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Kỳ vọng những vụ mùa bội thu
Mạnh dạn đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã trồng cây bắp cải. Nhờ điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi, kỹ thuật chăm sóc bài bản mà những vườn cây bắp cải đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Do các loại rau mới được trồng thử nghiệm nên diện tích chưa nhiều, nhưng đã đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn, nhằm cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh việc trồng lúa và rau màu các loại, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nông Sơn cũng mạnh dạn đầu tư trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Chủ yếu là các giống hoa truyền thống như: vạn thọ, cúc vàng, thược dược.
Là hộ có quy mô trồng hoa vạn thọ lớn nhất vùng, bà Nguyễn Thị Hoàng (trú thị trấn Trung Phước) cho biết: "Để phục vụ thị trường hoa Tết năm nay, tôi xuống giống hơn 4.000 chậu hoa vạn thọ. Nhờ thời tiết khá thuận lợi nên hiện vườn đang phát triển tươi tốt, cây cao, cho búp nhiều và dự kiến nở hoa đúng dịp Tết. Hi vọng năm nay sức tiêu thụ sẽ ổn định, gia đình tôi cũng nhờ đó mà có thêm nguồn thu nhập khá để đón Tết sung túc, đủ đầy hơn".
Quanh năm cần mẫn với ruộng đồng, chân lấm tay bùn, người nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn chỉ mong Tết đến Xuân về cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.