Quảng Nam tăng tốc chuyển đổi số từ cấp xã đến tỉnh

Trương Tuệ Mẫn Thứ ba, ngày 10/05/2022 15:01 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp sở, ban, ngành, huyện trên tỉnh cùng cán bộ, công chức cấp sở, huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Bình luận 0

Ngày 10/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu sớm triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho tất cả cán bộ từ cấp cơ sở đến tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, thực hiện chương trình chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số theo hình thức trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu và định hướng phát triển lâu dài.

Quảng Nam: Đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã đến tỉnh - Ảnh 1.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp sở, ban, ngành, huyện trên tỉnh cùng cán bộ, công chức cấp sở, huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số (Ảnh: T.P)

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đặt ra yêu cầu với tất cả các lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp sở, ban, ngành, huyện trên toàn tỉnh. Cán bộ, công chức cấp sở, huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn cùng thành viên tổ công nghệ cộng đồng theo các quyết định thành lập tổ công nghệ cộng đồng của UBND xã sẽ được đào tạo chuyển đổi số.

Quảng Nam: Đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã đến tỉnh - Ảnh 2.

Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Quảng Nam (Ảnh: T.H)

"Việc đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ từ cấp xã đến tỉnh này nhằm mục đích xây dựng và nâng cao năng lực kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Định hướng và xác định được lộ trình cũng như chiến lược chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, còn xây dựng giá trị cốt lõi của văn hóa chính quyền số, văn hóa với đồng nghiệp, với người dân thông qua chiến lược thực hiện chuyển đổi số trong quản trị công.

Hình thành nên giá trị cốt lõi, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt tự tin vào tầm nhìn, sứ mệnh và tôn chỉ định hướng của đơn vị trong hiện tại và tương lai. Nhận biết và ứng dụng được ưu thế của trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý dữ liệu lớn trong quản trị công", vị Chủ tịch UBND tỉnh này nhấn mạnh.

Quảng Nam: Đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã đến tỉnh - Ảnh 3.

Quảng Nam đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã đến tỉnh (Ảnh: T.H)

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, liên kết với các bài học kinh nghiệm thành công để có thể áp dụng được trong thực tiễn.

Đội ngũ chuyên gia đào tạo phải có học hàm học vị, kết hợp với kinh nghiệm triển khai trong thực tế. Các hoạt động đào tạo phải diễn ra sâu rộng, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tránh gây lãng phí, hình thức.

Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho tất cả cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh sẽ được thực hiện gồm 6 chuyên đề, trong đó gồm có căn bản chuyển đổi số, huyển đổi số địa phương, công nghiệp số, chuyển đổi số giáo dục, chuyển đổi số du lịch và kinh tế số. Thời gian triển khai bắt đầu từ tháng 5/2022 đến hết năm 2022. Dự kiến mỗi tháng triển khai 1 chuyên đề.

Quảng Nam: Đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã đến tỉnh - Ảnh 4.

Viettel Quảng Nam cùng các nhà mạng khác đồng hành cùng chuyển đổi số ở Quảng Nam (Ảnh: T.P)

Đối với Quảng Nam thực hiện chủ trương về chuyển đổi số, Quảng Nam đưa ra mục tiêu sớm trở thành địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030. Quảng Nam đang có những giải pháp đột phá thực hiện hóa mục tiêu cũng như 3 trụ cột chính là "chính quyền số, kinh tế số và xã hội số".

Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2025 phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích họp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Quảng Nam: Đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã đến tỉnh - Ảnh 5.

Viettel Quảng Nam trong một lần báo cáo giải pháp Bệnh viện thông minh cho Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam (Ảnh: T.P)

Đặc biệt, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Quan trọng nhất đối với Quảng Nam là năm 2020 đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử. Trong năm 2021 triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền, đưa vào sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem