Vừa đưa tay bịt mũi để tránh mùi hôi thối khủng khiếp đang xộc lên, chị Nguyễn Thị Hừng ở thôn Thế Long vừa đưa tay chỉ về phía những ruộng lúa bị cháy lá, ngả rạp xuống vũng nước đen ngòm, giọng đầy bức xúc: Rạ cho bò ăn còn chưa chắc, nói gì đến thu hoạch hạt lúa. Theo lời chị Hừng, tình trạng lúa chết diễn ra từ nhiều năm nay. Ban đầu chỉ là một khoảnh nhỏ, sau đó lan rộng dần.
|
Nông dân bất lực nhìn ruộng lúa bị chết do ảnh hưởng của nước thải từ Nhà máy Mì. |
Ông Lê Thanh Cường (cùng thôn), cho biết thêm: Cứ gần thu hoạch thì lúa dần cháy lá, hạt không thể chín rồi ngã chết. Qua nhiều lần quan sát, chúng tôi thấy nước dưới ruộng rất đen, nổi váng và bốc mùi hôi thối kinh khủng...
Tính đến thời điểm này, khoảng 7.500m2 của 10 hộ dân thôn Thế Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Diện tích trên, dù có cố gắng chăm bón đến mấy thì cuối vụ nếu không chết, cũng chỉ thu hoạch được khoảng 50-70kg thóc/sào (thay vì 3-3,5 tạ thóc/sào như trước kia). Đáng nói là lúa thu hoạch được có màu đen, đắng nên người dân không dám ăn, chỉ cho gà, vịt...
Sau nhiều lần dân phản ánh và chính quyền địa phương kiến nghị, Nhà máy Mì Tịnh Phong đã đồng ý hỗ trợ 200.000 đồng/sào/vụ. Tuy nhiên mức hỗ trợ này quá thấp so với công sức mà người dân bỏ ra.
Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh cho biết: Đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên để xử lý việc gây ô nhiễm của nhà máy; nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nước thải của nhà máy xả trực tiếp còn làm ô nhiễm suối Kinh, khiến gà, vịt, trâu, bò… uống phải cũng bị bệnh mà chết.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.