Như Dân Việt đã thông tin trước đây, trong quá trình thi công của dự án Xử lý điểm đen nút giao thông ngã tư chợ Hà Khẩu (KM2+150, QL279 cũ), đơn vị thi công đã đào sát vào móng nhà, gây ảnh hưởng đến người dân.
Dự án Xử lý điểm đen nút giao thông ngã tư chợ Hà Khẩu gồm hai phần: Thi công xây dựng công trình do Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Hiệp Phú và Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ kỹ thuật Việt Hưng thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng phần vốn ngân sách của Thành phố do UBND TP.Hạ Long làm chủ đầu tư.
Hiện nay, dự án Xử lý điểm đen nút giao thông ngã tư chợ Hà Khẩu đang để lộ nhiều sai phạm trong quá trình thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, việc GPMB và đền bù của dự án cũng đang khiến người dân tại khu 4, phường Hà Khẩu bức xúc.
Theo phản ánh từ gia đình bà Nguyễn Hải Yến cùng gia đình ông Nguyễn Văn Tháp, hai gia đình có đất đang quản lý, sử dụng, bị thu hồi một phần để thực hiện dự án, nhưng đến nay cả hai gia đình không hề nhận được phương án bồi thường từ dự án.
Gia đình bà Nguyễn Hải Yến và gia đình ông Nguyễn Văn Tháp cho biết không hề được thông báo về việc thu hồi đất hay bồi thường
Bà Nguyễn Hải Yến cho biết: “Cán bộ trên phường bảo rằng cứ ủng hộ để người ta hoàn thành đúng tiến độ dự án. Tôi yêu cầu họ phải lập biên bản rõ ràng. Bởi vì đây là đất của nhà chúng tôi và họ đang làm trên đất nhà chúng tôi. Nhưng cán bộ địa chính ở phường không lập biên bản. Bây giờ máy móc, công nhân kéo đến rồi, không cho làm không được. Nhưng rõ ràng là chúng tôi bị ép, bị cưỡng chế”.
Ông Nguyễn Văn Tháp cũng bức xúc: “Tôi thậm chí còn không biết là có dự án này. Cả nhà tôi đang ngủ, bỗng nghe thấy cưa máy ầm ầm, chạy ra đã thấy các ông ấy kéo đến chặt cây nhà chúng tôi. Tôi đã yêu cầu dừng lại để phường lên lập biên bản. Thu hồi của nhà tôi bao nhiêu mét, chặt cái gì, phải viết biên bản rõ ràng, nhưng đến nay vẫn không thấy gì”.
Tình trạng trước mặt gia đình ông Nguyễn Văn Tháp
Gia đình bà Nguyễn Hải Yến và ông Nguyễn Văn Tháp cho biết, họ không hề được thông báo, họp lấy ý kiến về việc thu hồi đất để thực hiện dự án cũng như không được nhận phương án bồi thường. Dù đã nộp đơn kiến nghị lên phường nhưng cả hai gia đình đều vẫn chưa được lập biên bản hiện trạng đất.
Ngoài ra, hai gia đình cho biết rằng đã nộp giấy tờ chứng minh sở hữu đất cho một cán bộ trên thành phố do phường mời xuống, nhưng cũng không hề nhận được câu trả lời.
Theo đơn kiến nghị của hai gia đình, diện tích đất hiện giờ của hai gia đình có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng. Khi thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 279, phường Hà Khẩu đã từng lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình bà Nguyễn Hải Yến; đối với gia đình ông Nguyễn Văn Tháp kiểm đếm thu hồi 1 cây bóng mát, 1 gian nhà đang sử dụng.
Sau đó, cả hai gia đình đều chưa nhận được bồi thường và vẫn sử dụng tổng diện tích đất là 84,2 m2 (Nguyễn Hải Yến) và 64 m2 (Nguyễn Văn Tháp) cho đến nay. Trong quá trình sử dụng đất của mỗi gia đình đều ổn định, không có tranh chấp và thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ.
Tình trạng trước mặt gia đình bà Nguyễn Hải Yến
Cũng theo danh sách được công khai tại bảng thông báo niêm yết phường Hà Khẩu, chỉ có 4 hộ gia đình, cá nhân phường Hà Khẩu Khẩu thuộc diện GPMB dự án Xử lý điểm đen nút giao thông ngã tư chợ Hà Khẩu. Gia đình bà Nguyễn Hải Yến cùng gia đình ông Nguyễn Văn Tháp hoàn toàn không nằm trong danh sách này.
Gia đình bà Nguyễn Hải Yến và gia đình ông Nguyễn Văn Tháp không có tên trong danh sách
Để làm rõ vấn đề, phóng viên Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Hà Khẩu và cán bộ địa chính phường Hà Khẩu. Hai cán bộ này cho biết, trách nhiệm GPMB không thuộc của phường, phường chỉ xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân. Còn cơ quan chịu trách nhiệm GPMB là Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố.
“Trách nhiệm của phường bây giờ là xác định nguồn gốc đất, nhưng gia đình ông Tháp không nằm trong đối tượng vừa rồi. Hiện nay, phường chỉ xác định nguồn gốc đất của 7 đối tượng và đã hoàn thành. Còn tất cả những hộ còn lại đều vận động hiến đất để làm đường, làm vỉa hè. Chủ trương của tỉnh, của thành phố là chỉ giải phóng 7 hộ. Còn thời điểm trước năm 2005 – 2006, anh em ở đây đều mới nên không biết được trước thời điểm đó như thế nào để trả lời người dân” – ông Phạm Văn Sơn trả lời.
Tiếp tục tìm hiểu để làm rõ hai trường hợp trên, phóng viên Dân Việt đã liên lạc làm việc với Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố. Thế nhưng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố lại đề nghị phóng viên Dân Việt liên lạc với Chánh văn phòng TP.Hạ Long vì liên quan đến cung cấp thông tin cho báo chí.
Liên lạc với ông Hồ Ngọc Hoài, Chánh văn phòng TP.Hạ Long đề nghị được giới thiệu sang làm việc với Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố, nhưng phóng viên tiếp tục bị từ chối.
Chánh văn phòng thành phố đề nghị phóng viên xin chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hạ Long. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, phóng viên Dân Việt vẫn không thể liên hệ với Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long.
Đến nay, đã hơn một tháng từ thời điểm gia đình bà Nguyễn Hải Yến và gia đình ông Nguyễn Văn Tháp gửi đơn kiến nghị lên UBND phường Hà Khẩu, thế nhưng cả hai gia đình vẫn chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.