Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới

Phúc An Thứ tư, ngày 30/11/2022 17:12 PM (GMT+7)
Khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, cùng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh phát triển du lịch nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bình luận 0

Phát huy lợi thế tiềm năng  

Quảng Ninh có vị trí địa lý và địa hình đa dạng, phong phú, mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng, trung du, miền núi và vùng biển với nhiều hình thái khí hậu khác nhau. Đây được xem là lợi thế để đất mỏ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, để từ đó xây dựng nông thôn mới bền vững.

Những năm gần đây, Bình Liêu nổi bật trong số các huyện vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Ninh về huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn huyện.

Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa truyền thống đậm nét của đồng bào các dân tộc. Bình Liêu là một điểm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn.

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Một trong những nét văn hóa hấp dẫn, ít nơi nào có được, đó là giải bóng đá của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ, diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - du lịch Bình Liêu.

Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, thời gian Bình Liêu bước vào mùa đẹp lượng khách tới Bình Liêu bắt đầu tăng cao.

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, trong dịp Hội Mùa vàng 2022 (từ ngày 4-6/11), Bình Liêu đã đón trên 21 nghìn du khách.

Lũy kế từ đầu năm đến nay lượng khách đến Bình Liêu đạt gần 92.500 lượt (trong đó khách lưu trú là 42.400 lượt), bằng 115,5% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 49 tỷ đồng.

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm cắt lúa cùng bà con trên cánh đồng ruộng bậc thang.

Nhằm kích cầu du lịch và khai thác tối đa giá trị cảnh quan gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới thu hút du khách, hàng năm, huyện Bình Liêu đều tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn trong khuôn khổ với điểm nhấn là Hội mùa vàng (tháng 11), hội hoa sở (tháng 12), hoạt động phiên chợ đêm, trò chơi dân gian, đá bóng nữ dân tộc Sán Chỉ...

Qua đó, đẩy mạnh quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, đóng góp tích cực vào việc hình thành điểm đến du lịch 4 mùa cho Quảng Ninh; từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Phiên chợ của đồng bào dân tộc Dao cũng là nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách đến Bình Liêu.

Không chỉ Bình Liêu, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy thành quả từ xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch hiệu quả như: đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu), vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn)...

Ngoài ra, để kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch, nhiều địa phương đã có ý tưởng tạo ra các mô hình du lịch hấp dẫn như: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa...

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Du khách trải nghiệm hái cam ở vườn cam Vạn Yên (huyệnVân Đồn)

Một trong những điểm đến đặc sắc không thể không nhắc khi đến Quảng Ninh là du lịch làng quê Yên Đức (TX.Đông Triều).

Ngoài phong cảnh thanh bình, yên ả của một làng quê thuần nông, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như: Xay lúa, giã gạo, úp cá, tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước, tìm hiểu nét đẹp văn hoá ở đây.

Đặc biệt hơn, du khách có thể đến thăm nhà dân, được tìm hiểu những nét đẹp về bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương...

Đến nay, các mô hình này đã dần tạo được điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã ra đời và trở thành những thương hiệu thu hút du khách bốn phương.

Đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới

Có thể thấy, phát triển du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương của Quảng Ninh nhờ thế mạnh về giá trị, tiềm năng sẵn có.

Tuy nhiên, mô hình này còn đối mặt với nhiều thách thức như việc thay đổi nhận thức, thái độ, kỹ năng của người địa phương…

Cùng với đó, các mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh hiện nay đa số chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn.

Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước... chưa có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra và phát triển các sản phẩm du lịch một cách chất lượng và chuyên nghiệp.

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

“Làng Bích Họa” xóm Họ Đặng trở thành những địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Để làm được điều này, thời gian qua, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, đường, điện, giao thông nông thôn đã tạo nên một sự thông thương thuận lợi giữa các vùng, tạo nên sự kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Kèm theo đó là nhiều chính sách về hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn. Qua đó tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, 98/98 xã của Quảng Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 22 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ đây, đã và đang tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ bộ mặt nông thôn hiện đại, khang trang, mở đường cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Bên cạnh đó, với sự hình thành và phát triển của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vừa mang đậm tính truyền thống, vừa có sức cạnh tranh trên thị trường đang thực hiện tốt vai trò là sản phẩm phục vụ cho du lịch.

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Các sản phẩm OCOP chất lượng cao đạt tiêu chuẩn 3-5 sao đều được quan tâm đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất, đạt tiêu chuẩn VSATTP, có bao bì mẫu mã đẹp, cập nhật…

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 7.

Đa phần du kihách đều bày tỏ sự hài lòng về chất lượng cũng như sự phong phú của các sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh

Trong "Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025", Chính phủ chỉ rõ, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Với những chủ trương trên, việc triển khai "Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025" đang đem lại nhiều kỳ vọng cho người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tập trung 8 nhóm giải pháp chính theo Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025".

Quảng Ninh: Làm du lịch nông nghiệp khéo “kéo” người dân xây dựng nông thôn mới - Ảnh 8.

Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Định hướng tổ chức các không gian phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở các địa phương như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và du lịch sinh thái khu vực ven biển Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long.

Trong đó, chú trọng các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.

Đây sẽ là đòn bẩy để phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem