Quy định về miễn nhiệm từ chức với cán bộ: Hết thời tham quyền cố vị

Uông Ngọc Dậu Thứ tư, ngày 10/11/2021 09:25 AM (GMT+7)
Làm cán bộ thời nay, do còn nhiều những kẽ hở về cơ chế, chính sách, kể cả trong hệ thống pháp luật, đem lại quá nhiều lợi lộc, đặc quyền đặc lợi cho kẻ tham lam cơ hội, khiến họ thêm tham quyền cố vị.
Bình luận 0

Ngày 03/11/2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Trong lĩnh vực công tác cán bộ, đây là lần thứ 2, trong vòng hơn 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị có quy chế về vấn đề này. Trước đó ngày 20 tháng 10 năm 2009, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 260-QĐ/TW Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ.

Trên thế giới, trong hệ thống chính trị đảng phái hay nhà nước những khái niệm thôi chức, từ chức, miễn chức không phải là khái niệm nhạy cảm hay xa xỉ. Không chỉ trong hệ thống chính trị, những người đứng đầu các tổ chức định chế tài chính, tập đoàn kinh tế vẫn thường chủ động đi đến động thái này một khi nội bộ có chuyện bê bối hay công việc làm ăn không xuôi chèo mát mái. Nó là chuyện bình thường.  

Mới đây thôi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga xin từ chức, dù mới tại vị hơn 1 năm, với lý do tình trạng lây nhiễm Covid-19 ở mức tồi tệ trên đất nước Mặt trời mọc. Trước ông Suga, cũng nước Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe từ chức, vì lý do sức khỏe.

Trong những trường hợp này, từ chức là vấn đề thể diện, thể hiện tinh thần trọng liêm sỉ của cá nhân, nhưng cũng là uy tín, danh dự và lợi ích của tổ chức, quốc gia, mà những cá nhân này từng ra sức vun đắp, bảo vệ.

Trên thế giới, câu chuyện từ chức, thôi chức, miễn chức thuộc nội hàm khái niệm văn hóa, mà văn hóa thì không phải ngày một ngày hai mà thành. Nó là chuyện lâu dài, tiếp biến và mang tính tự giác, lâu bền.

Ở nước ta, thời xưa đã có chuyện thôi chức, từ chức. Trong giới quan trường, không hiếm bậc trượng phu, yêu nước thương dân, một đời liêm chính vì lòng tự trọng mà treo ấn từ quan, lui về ở ẩn, giữ trọn thanh danh. Người đời sau mãi vẫn nhắc đến những Chu Văn An (1292-1370), vị quan triều Trần; Nguyễn Trãi (1380-1442) vị quan thời Lê; Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) thời nhà Mạc; Nguyễn Công Trứ (1778-1858) triều Nguyễn…

Hàng Đế vương, phải kể đến các vị Hoàng đế triều Trần, khởi đầu là Trần Thái Tông (1218-1277), tiếp đó là Trần Thánh Tông (1240-1290), Trần Nhân Tông (1258-1308)… Khi đang độ tuổi sung mãn, ở đỉnh cao quyền lực, họ không ngần ngại trao long bào, ấn kiếm cho hậu duệ, lui về hậu trường hoặc theo con đường tu thiền. Đấy là những cuộc nhường ngôi, truyền ngôi chủ động, tự nguyện, trước tiên vì sự bền vững của dòng tộc vương triều, sau đó là sự hưng thịnh của sơn hà, xã tắc.

Thời nay, chuyện từ chức, thôi chức có vẻ hiếm hoi. Một trường hợp ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam xin từ chức và nghỉ hưu sớm cũng khiến dư luận bàn tán. Gần đây, câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, sinh năm 1969, Phó Chủ tịch UBND Quận Một, TP.Hồ Chí Minh xin từ chức, nghỉ việc cũng khiến truyền thông xã hội và truyền thông nhà nước rôm rả luận bàn. 

Chung quy ở nước ta, chưa hình thành thói quen, tức văn hóa thôi chức, từ chức.

Chưa có những tấm gương vì lợi ích của tổ chức, của Đảng mà dũng cảm, tự giác, chủ động từ chức, thôi chức để mọi người noi theo. Dù có những người không hiệu quả, người ta thường nại lý do "giữ nghiêm kỷ luật", "chấp hành sự phân công của Đảng", "sự sắp xếp của tổ chức", "làm việc đến hơi thở cuối cùng"để ôm ghế, tạo nên tình trạng bảo thủ, trì trệ, tiêu cực.

Tính liêm sỉ, lòng tự trọng đang dần khó tìm thấy trong "một bộ phận không nhỏ" cán bộ đảng viên thời nay đang làm khó cho tổ chức, cho Đảng, khiến nhân dân nguội lạnh lòng tin.

Làm cán bộ thời nay, do còn nhiều những kẽ hở về cơ chế, chính sách, kể cả trong hệ thống pháp luật, đem lại quá nhiều lợi lộc, đặc quyền đặc lợi cho kẻ tham lam cơ hội, khiến họ thêm tham quyền cố vị.  

Bên cạnh đó, những quy chế, quy định cùng hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đánh giá, xếp loại cán bộ vẫn chung chung, thiếu cụ thể nên khó phân tách, sàng lọc.

Quy định 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ, lần này, với nhiều điểm mới, là quy định của Đảng, tạo cơ sở pháp lý để công tác liên quan đến việc thôi chức, từ chức, miễn nhiệm với cán bộ đi vào quy củ, bài bản, thành nề nếp, thường xuyên, bình thường.

Khi thiếu sự chủ động, tự giác thì phải dùng cơ chế để "buộc".

Để thường xuyên sàng lọc đội ngũ cán bộ đạt đến "vừa hồng vừa chuyên".

Để sắp xếp đội ngũ cán bộ đúng người đúng việc.

Để không còn tư duy nhiệm kỳ hay tư tưởng "làm quan cả đời".

Để dần hình thành văn hóa từ chức trong cán bộ, Đảng viên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem