Điều tra hoạt động từ thiện của nghệ sĩ: Tìm lại lòng tin

Phan Mỹ Hà Chủ nhật, ngày 17/10/2021 10:51 AM (GMT+7)
Việc cơ quan điều tra làm rõ hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ sẽ giúp khôi phục lòng tin của khán giả và những người có tấm lòng nhân ái, trả lại thanh danh cho những nghệ sĩ làm từ thiện chân chính.
Bình luận 0

Gần đây sau những lùm xùm từ thiện, Bộ Công an đã vào cuộc khi có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến hoạt động của một số nghệ sĩ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão lụt.

Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Hoài Linh - đó là những nghệ sỹ đã được cơ quan công an mời lên làm việc, hoặc đề nghị các ngân hàng, các địa phương phối hợp để làm rõ hoạt động từ thiện của họ. Câu chuyện làm từ thiện của giới show biz dường như càng ngày càng kịch tính.

Việc làm rõ những khoản tiền tỷ mà các nghệ sĩ đã kêu gọi từ khán giả để làm từ thiện thật sự là cần thiết, trước hết là cho chính các nghệ sĩ. Tôi cũng như bao người khác, hi vọng cuộc điều tra sẽ sớm kết thúc và sớm có kết quả để chứng minh ai đúng ai sai, làm rõ trắng đen vụ việc, từ đó xử lý nghiêm những cá nhân nếu có hành vi khuất tất. 

Việc điều tra sẽ giải oan cho một số nghệ sỹ nếu như họ làm đúng và lấy lại thanh danh, danh dự cho những nghệ sĩ chân chính còn lại! Không ít nghệ sĩ làm từ thiện bằng cái tâm, trong âm thầm, bằng tiền túi nhưng đang bị cào bằng với những nghi ngờ bằng cụm từ "đám nghệ sĩ"!

Để việc làm thiện nguyện thực sự là thiện nguyện, không vụ lợi, không đánh bóng cá nhân. Việc thiện nguyện sẽ không bị dán nhãn là "nghề từ thiện".

Để các cá nhân khác, tổ chức khác, dù không phải là nghệ sĩ, họ cũng mạnh dạn làm thiện nguyện bằng tâm, bằng sức của mình mà không sợ bị xã hội gièm pha!

Và để khán giả, để những người có tấm lòng nhân ái sẵn sàng chung tay giúp đỡ cho người nghèo thông qua các nhân vật có ảnh hưởng.

Nhìn lại thời gian qua, thật đáng buồn vì có nghệ sĩ, khi truyền thông cho hoạt động của mình, lại chú trọng quá đến việc xây dựng hình ảnh cá nhân, phủ nhận công lao của chính quyền, bộ đội, thậm chí còn còn gây mất đoàn kết ở một số địa phương và trong những cuộc tranh cãi bất tận trên mạng xã hội. 

Thật nực cười khi có kẻ đặt câu hỏi: "Không có nghệ sỹ ai sẽ lo cho dân? Mùa lũ năm nay ai sẽ cứu dân?" 

 Miền Trung năm nào cũng lũ lụt. Vậy bao nhiêu năm qua không có nghệ sỹ thì ai lo cho dân?  

 Dịp này cũng là tròn một năm trận lũ lụt lịch sử 2020 khiến người dân các tỉnh miền Trung trắng tay, điêu đứng. Những tiếng kêu cứu trong đêm vẫn còn ám ảnh tôi đến giờ. Những đêm mưa trắng trời, nước trắng nhà, tiếng kêu người người không nghe, kêu trời trời không thấu. Chỉ nước mắt và nước lũ ngày một dâng lên có thể cuốn đi hết bao nhiêu tiền bạc của cải. Và những đêm đó, chính cán bộ, chiến sĩ thôn, xã, huyện, tỉnh là vị cứu tinh của người dân quê vùng lũ. Các anh, các bác đã cố gắng hết sức mình để đưa người dân đến nơi an toàn. Những ngày đó y như có chiến tranh, và những chiến sĩ ấy như đang chiến đấu với giặc – giặc lũ.

Điều tra hoạt động từ thiện của nghệ sĩ: Tìm lại lòng tin   - Ảnh 2.

Bộ đội biên phòng Quảng Trị đưa dân khỏi nhà bị ngập nặng trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020. Ảnh: QRTV.

Sóng đánh từng đợt to lắm, nhiều nhà cửa trôi hết tất thảy theo dòng nước xiết. Thế nhưng các bác, các anh vẫn không ngại nguy hiểm, gian khó mà lái ca nô, đi từng nhà, phát từng suất cơm, cứu trợ khẩn cấp. Cầm hộp cơm trên tay, run run mà rưng rưng nước mắt.

Nhớ đến những ngày bà con vùng lũ phải lên những đồi cát, bãi tha ma, nghĩa trang, nhà thờ họ để tránh lũ, nhớ đến hình ảnh các anh dân quân tự vệ dựng lều, nhóm lửa, nấu những suất cơm, đội mưa đội gió đội cả sóng, đập cửa từng nhà mà gọi "Nhà có chi ăn không o chú ơi, ra lấy cơm lấy nến lấy thuốc o chú ơi…", tôi thật sự khâm phục họ. Họ không quản ngại gì cả, một lòng vì dân, có hi sinh, cũng hi sinh vì lí tưởng cao đẹp của đất nước.  

Cho đến giờ, một năm sau, sự cố sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế) với sự hy sinh của 13 chiến sĩ quân đội trên đường tìm kiếm 17 công nhân mất tích vẫn còn là nỗi ám ảnh đau lòng. Ấy vậy mà những công lao đó, sự hy sinh đó bị không ít kẻ vùi dập, lăng mạ, bị bỏ quên vì một lời ác tâm "không có nghệ sĩ thì ai cứu dân"! Những người có lương tri ai nghe cũng sẽ thấy đau, thấy tức. Ai làm từ thiện cũng rất đáng trân quý và đáng được ghi nhận. Nhưng hãy luôn minh bạch để người ủng hộ và cả những người được nhận sự ủng hộ sẽ thấy thoải mái, an tâm. Để không có kẻ nào lợi dụng tấm lòng của những người nhân ái mà làm giàu cho bản thân.

Rất nhiều khán giả yêu cầu những nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Hoài Linh, Thủy Tiên... phải công khai chi tiết thu chi số tiền quyên góp. Có những nghệ sỹ chỉ sao kê tài khoản sau nhiều ồn ào cho thấy họ thiếu sự tự giác, công khai, minh bạch. Bản sao kê của họ không đủ để giải trình sự minh bạch, không có nhiều ý nghĩa để chứng minh họ sử dụng tiền từ thiện đúng mục đích, đúng đối tượng.

Trong sao kê chỉ chứng minh được dòng tiền mạnh thường quân đóng góp vào và dòng tiền mà nghệ sỹ rút ra. Minh bạch trong từ thiện còn thể hiện ở việc giải ngân, phân phối tiền ra sao? Vấn đề minh bạch chỉ được chấp nhận khi tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện. Khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu chi kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ.  Nếu xác định làm từ thiện thì bất cứ cá nhân nào cũng nên công bố thông tin ngay sau khi kết thúc chương trình đó. 

Gần đây nhất, hoa hậu H'Hen Niê kêu gọi từ thiện chương trình "Sách giáo khoa cho em". Kết thúc chương trình cô khoá ngay tài khoản và thông báo sao kê rõ ràng các khoản thu chi gửi đến mạnh thường quân kèm theo lời cảm ơn. Cách làm của cô nhận được không ít lời khen ngợi từ những người hâm mộ trên cả nước.

Tôi cũng mong sau những gì vừa qua, người dân miền Trung chúng tôi sẽ thấu hiểu, năm nào cũng lũ lụt, năm nào cũng đói khổ nhưng không phải vì vậy mà họ chấp nhận chịu đựng tai tiếng để những người làm từ thiện không chân chính lấy họ ra làm bia đỡ đạn làm giàu nếu có. 

Người Việt vốn có truyền thống "lá lành đùm lá rách". Trong lúc thiên tai dịch giã, việc những người có ảnh hưởng, nhất là các nghệ sỹ, đứng ra kêu gọi từ thiện là đáng quý vô cùng. Nhưng khi số tiền kêu gọi ngày càng lớn, vượt ra khỏi khả năng quản lý, sử dụng của một cá nhân thì cần phải có những cơ chế rõ ràng để giám sát nguồn lực đó.

Nghị định 64/2008 chỉ quy định các chủ thể nhà nước được phép tiếp nhận, phân phối nguồn lực thiện nguyện. Quy định như vậy đã lỗi thời và không thực tế, bởi khả năng kêu gọi của những chủ thể này chỉ có giới hạn. Khi có sự tham gia của các cá nhân, nhất là các nghệ sĩ, người nổi tiếng, nguồn lực huy động phong phú hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho những người khó khăn.

Đã có những đề xuất sửa đổi nghị định này để cho phép các nhân làm từ thiện. Nếu những sửa đổi đó sớm được hoàn thiện và hợp pháp hoá, được thực hiện nghiêm chỉnh, chắc hẳn sẽ không còn những ồn ào không đáng có như Thuỷ Tiên, Trấn Thành, Hoài Linh và nhiều nghệ sĩ đang phải đối mặt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem