Cần một ngày quốc tang tưởng nhớ nạn nhân Covid-19

Nhật Lệ Thứ ba, ngày 09/11/2021 15:18 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 như một cơn lũ quét bi thương, mất mát kinh hoàng, để lại những khoảng trống không thể bù đắp trong ký ức những ai còn sống. Quốc tang để tưởng nhớ những người đã mất, nhưng cũng là để nhìn lại những sai lầm, nhắc nhở chúng ta tuyệt đối không được lơ là trong phòng chống dịch.
Bình luận 0

Người Sài Gòn chắc hẳn sẽ có những câu chuyện nhớ đời để kể cho con cháu về những ngày phong tỏa, chăng hàng rào kẽm gai và những cái chết thương tâm.

Những chữ xét nghiệm, lây nhiễm, F0, bóc tách, thu dung, dã chiến, cách ly… hẳn cũng đi vào từ điển bên cạnh những đại án của ngành y về nâng giá vật liệu, thuốc giả, đấu thầu trang thiết bị, máy thở, kit test…

Nhưng từ trong vùng tâm dịch, người ta nhận ra một điều lớn hơn mọi thứ, đó chính là lòng nhân, sự tử tế, cho đi và cứu giúp không cần trả ơn. Người dân từng trải qua cơn hoảng loạn vì người thân mất, rồi cảnh ngăn sông cấm chợ, cấm hàng hóa vào thành phố, cảnh thiếu đói lương thực, rau xanh hay cảnh thất nghiệp không còn sức cầm cự, từng đoàn người lầm lũi hồi hương, đi bộ có, đi xe máy có. Nhưng họ cũng có dịp chứng kiến đội ngũ y bác sĩ hết lòng cứu sống bệnh nhân, hy sinh hạnh phúc gia đình để ở lại bệnh viện suốt hàng tháng trời, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thậm chí, nhiều nhân viên y tế và bác sĩ cũng bị nhiễm Covid. 

Đâu đó người ta nói đó là cộng nghiệp, vì sao nơi này bị nặng, nơi kia không. Nhưng cũng đâu đó người ta nói rằng, người Sài Gòn đã đứng dậy kiên cường sau mất mát, đau đớn, đùm bọc giúp nhau qua cơn hoạn nạn và lại càng xứng là "anh Hai" hơn khi vươn tay giúp đỡ các tỉnh bạn.

Nếu có một ngày để tưởng nhớ những người đã ra đi vì Covid-19, thì đó sẽ là ngày mỗi gia đình ngồi nhìn bàn ăn, thấy vắng những người thân thiết, từng là chỗ dựa và trụ cột của cả nhà, là những bông hoa trắng ngập lối đi ở các ngôi chùa, nơi gửi tro cốt người đã khuất hay những bậc thang dẫn vào nhà thờ, nơi người ta cầu nguyện cho những linh hồn đột ngột rời xa cõi thế.

Nếu có một ngày quốc tang cờ rủ, thì cũng là ngày người ta nhớ cả những chiến sĩ áo trắng đã hy sinh để cứu người, hay những y bác sĩ, cán bộ vì lo cho cộng đồng mà khi trở về nhà mới hay chính người thân họ cũng đã nằm xuống vì Covid. 

Và đây cũng là bài học xương máu cho ngành y tế Việt Nam vì còn nhiều yếu kém trong lỗ hổng phòng chống dịch, cho bộ máy công quyền ban đầu phạm sai lầm vì chống dịch bằng mệnh lệnh chứ không bằng chuyên môn dịch tễ và y khoa.

Cần một ngày quốc tang tưởng nhớ nạn nhân Covid-19 - Ảnh 2.

Bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: BVCC

Một chuyến máy bay tử nạn, những người lính trong tàu ngầm bị chìm hay vụ cháy khiến nhiều người thiệt mạng, đâu đó trên thế giới và cả Việt Nam đều có quốc tang. Nhưng để có một ngày nhìn lại sự đau thương mất mát mà học hỏi, trưởng thành lại là điều đáng nói. 

Mỗi ngày, Việt Nam có hơn 300 người chết vì ung thư, vài chục người chết vì tai nạn giao thông, còn chỉ trong vòng 6 tháng (từ 27/4), đã có hơn 22.500 người chết vì Covid-19. Có ngày, ở Sài Gòn có cả 500 người chết, đến mức quá tải lò thiêu và chỗ chôn ngoài trời. Thế nhưng, cái chết của nạn nhân Covid-19 thường đột ngột và tăng cao chỉ trong thời gian ngắn chứng tỏ sự khốc liệt của cuộc chiến chống dịch bệnh.

Đến lúc này, cuộc chiến còn tiếp diễn.   

Vào ngày mà con số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam đã vượt qua cái mốc 1 triệu người, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Australia phân tích: Tuy vượt qua con số 1 triệu ca nhiễm, nhưng Việt Nam vẫn còn "thua" Thái Lan (gần 2 triệu), Malaysia (2,5 triệu), Philippines (2,8 triệu), và Indonesia (4,25 triệu). Nhưng con số tử vong ở Việt Nam (hơn 22.000 người) thì thuộc vào hàng cao nhất trong vùng.

"Con số tử vong nói lên rằng hệ thống y tế Việt Nam có vấn đề… Trận dịch này là một dịp để đánh giá lại nền y tế Việt Nam", GS Nguyễn Tuấn nhìn nhận.

Viễn cảnh ai rồi cũng bị nhiễm Covid không còn xa, thậm chí, còn phải chấp nhận rằng mỗi năm sẽ có vài ngàn ca tử vong liên quan đến Covid dù đã có vaccine bao phủ.

Theo số liệu của WHO thì năm 2018, bệnh cúm mùa và viêm phổi cướp đi 16.543 sinh mạng người Việt. Như vậy, con số tử vong Covid năm nay cao hơn số tử vong liên quan đến cúm mùa và viêm phổi.

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 560.000 ca tử vong. Trong số này, đa số là từ các bệnh không lây (như tim mạch, ung thư, tiểu đường) và tai nạn giao thông. 

Nên đi đâu rồi cũng phải trở về với vấn đề cốt lõi, tăng cường sức mạnh và khả năng bao quát chữa bệnh của hệ thống y tế từ cơ sở đến địa phương, khả năng lường trước hậu quả của đại dịch để hạn chế những sai lầm như vừa qua, nhốt chặt, song số ca lây nhiễm và tử vong càng tăng cao và đem vào khu cách ly "nhưng không biết phải làm gì", chờ người ta chết.

Cũng từ đại dịch, các đại án dần được phanh phui, không một ai tham lam kiếm tiền cả trên những đau ốm bệnh tật của đồng bào, đồng loại lại có thể thoát được luật nhân quả.

Cho nên, bên cạnh lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ mất vì Covid-19, sắp tới, vấn đề đặt ra là nên tổ chức quốc tang. Mới đây, trên nghị trường Quốc hội, ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu lên việc tổ chức quốc tang để tưởng niệm những đồng bào tử vong do Covid-19 được nhiều người đồng tình.

Thêm nữa, theo ông, hầu hết những người tử vong vì dịch Covid-19 ra đi đau đớn, phải xa người thân, và vì điều kiện dịch bệnh nên không được tổ chức mai táng chu toàn. Do đó, việc dành cho họ ngày quốc tang là nhân văn, nhân nghĩa và nhân ái theo truyền thống của người Việt Nam.

Và đúng như ông Trí nói, việc tổ chức ngày quốc tang cũng để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống, tuyệt đối không được lơ là trong phòng chống dịch Covid-19, để chúng ta quyết tâm hơn, đồng lòng hơn trong cuộc chiến chống dịch cam go này. Nhớ lại để không lặp lại sai lầm cũ, để mạnh mẽ hơn và cũng yêu thương dân nhiều hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem