Rà soát, kiểm tra việc đội giá viện phí

Thứ hai, ngày 06/08/2012 11:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Quá trình xây dựng giá viện phí có nhiều điều phi lý có thể khiến người bệnh bị thiệt thòi, nếu không được cân nhắc kỹ” - ông Nguyễn Tá Tỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến thuộc Bảo hiểm xã hội VN (BHXH) nhận định.
Bình luận 0

Nhiều bệnh viện tính chưa đúng

Ông đánh giá việc xây dựng cơ cấu giá của các cơ sở y tế như thế nào?

- Có nhiều bệnh viện xây dựng cơ cấu giá chưa đúng như đưa quá nhiều vật tư y tế vào một dịch vụ, thậm chí có cả vật tư không dùng đến, khiến giá thành dịch vụ bị đội lên khá nhiều. Ví dụ, Bệnh viện (BV) Bạch Mai xây dựng cơ cấu giá của dịch vụ xét nghiệm máu mà dùng tới 25 bơm kim tiêm, 25 ống đựng máu, 25 tờ giấy ghi kết quả và 25 lần tiền điện, vô lý quá. Thực chất, chỉ cần 1 lần lấy máu, máy xét nghiệm có thể “chạy” ra kết quả của mấy chục chỉ số, chỉ cần 1 bơm tiêm, 1 ống đựng máu, in 1 giấy kết quả và tiền điện cũng chỉ có 1 lần.

img
Người bệnh mong là viện phí tăng thì tinh thần phục vụ của y bác sĩ cũng tăng tương xứng (ảnh minh họa).

Nguyên nhân xây dựng cơ cấu giá “phi lý” như vậy là do đâu?

-Có thể những người xây dựng giá không tuân thủ quy trình mà Bộ Y tế và BHXH đã hướng dẫn. Cũng có thể, do muốn giá được sát với khung, tận thu nên BV đã kê thêm vật tư vào. BHXH sẽ tiếp tục rà soát, sớm có ý kiến thống nhất với Bộ Y tế, điều chỉnh cho hợp lý. Các đơn vị đã thực hiện rồi thì chỉ ra các bất cập để rút kinh nghiệm. Nếu sai quá thì kiến nghị để Bộ và các tỉnh điều chỉnh.

Việc đội giá như vậy liệu có “lọt” qua hội đồng thẩm định, khiến người bệnh thiệt thòi?

-Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, mỗi tỉnh, bệnh viện lại xây dựng từ 200 đến gần 1.000 dịch vụ, mỗi dịch vụ lại có danh sách vật tư tiêu hao, chi phí điện nước… dài 30-40 danh mục, thì việc xem xét sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng BHXH sẽ căng tai, căng mắt để bảo vệ quyền lợi người bệnh.

Một đại diện BHXH tỉnh nói rằng, với hơn 200 dịch vụ thì họ không đủ người để thẩm định hết, hoặc không thống nhất cơ cấu giá với sở y tế, nhưng nếu sở được UBND, HĐND tỉnh bật đèn xanh thì họ cũng khó mà can thiệp được...

- Tất nhiên BHXH Việt Nam sẽ có ý kiến. Thiết nghĩ, lãnh đạo sở y tế và các bệnh viện T.Ư cũng luôn có tinh thần xây dựng. Nếu chúng tôi chỉ ra cụ thể những điều phi lý, yêu cầu điều chỉnh, thì họ cũng sẽ điều chỉnh cho hợp lý, cùng vì quyền lợi của người bệnh mà thôi.

Không thể nói bệnh viện lỗ

Ngoài cơ cấu giá chưa hợp lý, việc khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế còn có điểm gì cần lưu ý?

-Kê đơn thuốc quá nhiều. Việt Nam dành tới 60-70% chi phí y tế cho thuốc, trong khi ở các nước khác chỉ dưới 50%. Năm 2012, dự kiến chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT là trên 30.000 tỷ đồng, thì đã có gần 20.000 tỷ đồng dành cho mua thuốc. Đó là chưa kể phần chi của bệnh nhân thanh toán viện phí trực tiếp. Do đó, tiết kiệm tiền để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thì tốt hơn. Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh trong đơn thuốc cũng đẩy bệnh nhân vào tình trạng kháng thuốc...

Các BV thường xuyên kêu là giá viện phí mới vẫn chưa đủ để trang trải, khiến họ vẫn lỗ?

- Việc giá viện phí mới chưa tính đủ 7 yếu tố mà chỉ tính 3 là do cơ chế. Nhưng khi xem xét điều chỉnh giá viện phí, hội đồng xây dựng đã đề xuất khung giá cơ bản để đảm bảo các chi phí cần thiết mà cơ sở y tế bỏ ra. Thậm chí, nhiều dịch vụ y tế dùng các máy xã hội hóa cũng chỉ có giá ngang với mức giá mà Bộ quy định, mà máy xã hội hóa thì có lãi họ mới làm. Như vậy, không thể nói các BV sẽ vẫn lỗ với mức điều chỉnh giá lần này.

Ông Nguyễn Nam Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế): “Theo Công văn 2210 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện viện phí mới, 15% số tiền khám chữa bệnh và tiền giường sẽ được đầu tư vào nâng cấp phòng khám, giường- buồng bệnh. Vì thế, nên dành từ 3-6 tháng cho các cơ sở y tế “gom” đủ tiền để đầu tư mới, thay đổi bộ mặt. Bộ Y tế và các sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, nên không lo các cơ sở y tế làm sai, làm thừa, đội giá…

Nhưng các BV vẫn cho rằng, tiền tăng quá ít nên khó thay đổi chất lượng khám chữa bệnh?

-Không thể nói như vậy được. Vì tại các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, tiền khám tăng từ 500 đồng lên 5.000 đồng đã là một khoảng cách lớn. Các bác sĩ tuyến xã, quận cũng chỉ khám các bệnh đơn giản, như đo huyết áp, xem tai họng, thậm chí chỉ nghe kể triệu chứng rồi kê đơn. Còn y tế tuyến trên thì khám các bệnh phức tạp hơn, tiền khám cũng tăng từ 3.000 đồng lên 13.000 - 14.000 đồng. Bộ Y tế cũng tính toán đủ để yêu cầu các cơ sở y tế đầu tư 15% tiền khám và 15% tiền giường để nâng cấp phòng khám và buồng bệnh. Nếu không đủ, sao dám yêu cầu trích một phần như vậy?

Vậy theo ông, tăng viện phí thì cái gì cần đổi mới ngay?

-Về đầu tư trang thiết bị, nâng cấp trình độ chuyên môn đúng là cần một lộ trình, thay đổi từ từ. Tuy nhiên, cái có thể thay đổi ngay được và cần thay đổi ngay tắp lự để người bệnh có thể yên tâm, hài lòng hơn với giá viện phí mới chính là thái độ phục vụ. Cái này thì không cần đợi thời gian, không đòi hỏi phải tích cóp đủ tiền rồi mới đầu tư được. Viện phí tăng, các BV cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên đón tiếp bệnh nhân thân tình, chu đáo hơn…

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem