Món ăn này, người Tày, Nùng ở Cao bằng gọi là “tầu cày” và gắn với truyền thuyết “Ruộng đất mềm” (Tôm nà ón) của người Tày. Loại tảo lục này khi dùng để nấu canh, xào và nướng có mùi vị giống như mùi thịt gà, vì vậy dân gian lưu truyền câu ca: “Mười miếng thịt gà rừng” (chim trĩ) không bằng một miếng “Tầu khày pò sóc” (tảo lục).
Rêu sông, suối là một món ăn từ xa xưa được nhiều dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Mường…, ưa thích.
Canh rêu tươi nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị rồi ăn nóng. Rêu nộm thường lấy rêu non, đồ cho vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, hạt tiêu, thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ. Rêu nướng là món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người.
Rêu rửa sạch, lấy lá chuối hoặc lá dong, hơ trên than hồng cho lá mềm để khi gói không bị rách, cho cùng các gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, sả, hành, buộc túm lại, nướng trên tro nóng hoặc than hồng, thỉnh thoảng xoay đều cho tới khi lớp lá bên ngoài cháy xém là ăn được. Rêu nướng còn dùng ống nứa, tre non để nướng, cách này giữ lại các chất ngọt trong ống. Món rêu nướng có mùi vị đặc trưng, đặc biệt khoái khẩu đối với người biết uống rượu.
Việc chế biến rêu để ăn của các dân tộc gần như giống nhau. Riêng món nướng có sự khác biệt một chút, đấy cũng là sự đa dạng trong cách chế biến của đồng bào dân tộc.
Đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Nùng chủ yếu sinh sống tại các vùng Tây Bắc, Đông Bắc có nhiều sông, suối, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại rêu dùng làm thức ăn của đồng bào dân tộc từ bao đời nay. Với kiến thức dùng tảo làm thức ăn của đồng bào dân tộc đã trở thành kiến thức bản địa.
Báo Cao bằng (Theo Báo Cao bằng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.