Vải đẹp mã, được giá
Những ngày này, về huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh (Hải Dương)- 2 vùng trọng điểm trồng vải thiều của tỉnh, mới cảm nhận hết không khí làm việc hối hả của người dân nơi đây, bởi họ đang đón niềm vui “kép”. Dù vải năm nay tuy không được mùa nhưng mẫu mã, chất lượng, giá cả thì hơn hẳn các năm trước. Đặc biệt, trong tháng 3 vừa qua, phía cơ quan chức năng Mỹ đã sang kiểm tra và cấp 2 mã số vùng trồng vải xuất khẩu cho 10ha ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) với 87 hộ và 10ha ở xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh), với 97 hộ, mở ra cho người dân cơ hội đưa vải đi Tây, không vui sao được.
Bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, Hải Dương) đang chăm sóc 2ha vải dự kiến sẽ xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: V.T
Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, mặc dù vải Thanh Hà và Chí Linh đã có thương hiệu và khẳng định được thương hiệu, song việc tiêu thụ vẫn chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá nhỉnh hơn không đáng là bao. “Chúng tôi xác định, để nâng giá trị quả vải, trước tiên phải nâng cao chất lượng vải, rồi mới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia và các nước Đông Âu khác” – ông Phú nói.
Dẫn chúng tôi về vựa vải ở xã Hoàng Hoa Thám, ông Nguyễn Văn Điều – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Chí Linh cho biết, tất cả những hộ sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu đi Mỹ đều được tỉnh, thị xã hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 5.000 bao bọc vải, ngoài ra còn thường xuyên mở lớp tập huấn, cử cán bộ bám địa bàn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.
Đang kiểm tra túi bọc những chùm vải sai trĩu ở vườn, bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Hố Giải), đang trồng 2ha vải thiều VietGAP, vui vẻ cho hay: “Trồng vải VietGAP nên tất cả các quy trình đều rất ngặt nghèo. Ví dụ bón phân phải là phân sinh học, hay phân chuồng hoai mục, thuốc bảo vệ thực vật phải là thuốc sinh học, ngay cả nước tưới cũng phải là nước sạch… và phải ghi nhật ký từng ngày. Thấy vải đẹp, ngon, thương lái đến trả 20.000 đồng/kg nhưng tôi chỉ bán ít cây chín sớm thôi, còn để lại để đưa đi Mỹ”.
Cách vườn vải của bà Nụ không xa là vườn vải VietGAP của ông Nguyễn Văn Chúc – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hoàng Hoa Thám. Ông Chúc chia sẻ, để làm ra quả vải ngon, đáp ứng thị trường trong nước đã khó, vải xuất khẩu đi Mỹ còn khó gấp bội. Song không vì khó mà bỏ, ngược lại càng khó càng phải hướng tới.
Tạo mọi điều kiện để tiêu thụ vải
Theo ông Phú, để hỗ trợ tiêu thụ vải, năm nay tỉnh đã tổ chức 3 cuộc hội thảo xúc tiến thương mại tại Hải Dương, Hà Nội và TP.HCM. Qua đó đã kéo được nhiều DN tham gia vào tiêu thụ vải. Cũng theo ông Phú, các DN tham gia tiêu thụ vải sẽ được tỉnh hỗ trợ tối đa, như dẫn thông đường, tăng tải… và đặc biệt là hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp đưa vải xuất khẩu đi nước ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hóa – Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết, ngoài vải, na cũng được xem là sản phẩm chủ lực của thị xã. Những năm gần đây thị xã đã rất quan tâm, hướng dẫn người dân trồng vải và na theo mô hình VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của cây trồng. Chỉ còn vài ngày nữa là vào thu hoạch vải chính vụ, ngoài 10ha vải VietGAP dự kiến đi Mỹ, ở xã Hoàng Hoa Thám còn có khoảng 40ha cũng được sản xuất theo VietGAP.
“Đối với vải VietGAP, chúng tôi không lo ngại khâu tiêu thụ. Tuy nhiên còn hàng nghìn ha vải thường nữa, để tiêu thụ nhanh gọn không hề đơn giản, do đó chúng tôi đã chỉ đạo các ban ngành như phòng kinh tế, công thương, thị trường, công an… hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN vào mua vải” – ông Hóa cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hùng – chủ một DN dự kiến sẽ đưa vải Chí Linh, Thanh Hà vào miền Nam tiêu thụ, chia sẻ: “Để đưa vải Nam tiến, hỗ trợ người dân tiêu thụ nhanh, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngành công an, giao thông và chính quyền các địa phương, trong việc tạo điều kiện thông xe, giảm phí…”.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Công an thị xã Chí Linh cho biết, cách đây nửa tháng, công an thị xã đã lên phương án tổ chức phân luồng tốt nhất, tránh ùn tắc giao thông để các doanh nghiệp có thể vào tiêu thụ vải nhanh nhất cho bà con. “Ngoài việc phân luồng, chúng tôi cũng sẽ ưu tiên với các xe vào thu mua vải có chở hơi đầy một chút, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn, cốt làm sao bà con tiêu thụ vải nhanh nhất” – ông Nam chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.