Cụ thể, theo ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định (Bộ GD ĐT), đề thi thử nghiệm khác với đề thi minh họa Bộ công bố vào tháng 10.2016. Theo đó, hình thức đề sẽ theo bài thi chứ không còn là các môn thi độc lập nữa. Câu hỏi trong bài thi sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Đề thi thử nghiệm theo bài thi sẽ giúp học sinh "tập dượt" cho kỳ thi THPT quốc gia chính thức (ảnh minh họa: IT)
Đề thi sẽ được công bố vào giữa tháng 5, khi đó học sinh đã gần như hoàn thiện đầy đủ các kiến thức của lớp 12 và chỉ tập trung vào việc ôn tập. Việc công bố đề thi theo bài sẽ giúp các em trải nghiệm thực tế và gần nhất với kỳ thi chính thức sẽ diễn ra sau đó 1 tháng.
Kết quả làm bài của học sinh qua các đợt làm bài thi minh họa, thử nghiệm sẽ được Bộ GD ĐT đưa vào phần mềm khảo thí chuyên dụng để phân tích các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi. Theo đó, những câu hỏi không đạt độ tin cậy, quá sức đối với học sinh, không nằm trong chương trình…sẽ được xem xét loại bỏ. Chính vì vậy, đề thi thử nghiệm là một khâu trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của Bộ GD DT.
Trước đó, trả lời về quy trình làm ngân hàng câu hỏi trong đề thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ GD ĐT cho biết, quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt: ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, qua các vòng biên tập, thẩm định, thử nghiệm, tinh chỉnh...
Để làm đề thi, Bộ GD ĐT đã huy động giáo viên giỏi nhất của 63 tỉnh, thành cùng các giảng viên ĐH có chuyên môn, kinh nghiệm để đáp ứng việc hoàn thiện đúng tiến độ ngân hàng câu hỏi thi vào tháng 6.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.