Sau loạt bài Lật mặt các địa ngục thú rừng năm 2021: Hàng chục năm tù cho các đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ tư, ngày 08/12/2021 07:34 AM (GMT+7)
Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021, Báo NTNN/ Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh về tình trạng săn bắt, tàng trữ, quảng bá, buôn bán động vật hoang dã trái phép tại một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Ngay sau đó Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các tỉnh vào cuộc, ra quân, kiểm tra, xử lý.
Bình luận 0

Video: Thú rừng bị tàn sát trên từng cây số

Từ thông tin điều tra trước đó của phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã cung cấp tới cơ quan chức năng các tỉnh để phối hợp vào cuộc. Sau một thời gian điều tra, ra quân xử lý, hàng chục vụ việc liên quan đến buôn bán ĐVHD đã được cơ quan chức năng các tỉnh trong loạt bài đã phản ánh, vào cuộc xử lý.

Trong đó có những vụ việc xử lý đích danh những nhà hàng, đối tượng mà nhóm phóng viên điều tra, cung cấp thông tin trước đó.

Theo đó, ngày 15/11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định xử phạt ông C. V. H. (trú tại TP Huế) vì hành vi "Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật".

Theo ghi nhận, ông H. là phụ bếp của một nhà hàng S.H tại Huế, bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản hành vi vi phạm trên khi đang tàng trữ một cá thể kỳ đà vân sống. Cá thể kỳ đà vân được tịch thu từ ông H. đang được cứu hộ, chăm sóc và chuẩn bị thả về thiên nhiên theo quy định.

Sau loạt bài Lật mặt các địa ngục thú rừng năm 2021: Hàng chục năm tù cho các đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép - Ảnh 2.

Cá thể kỳ đà vân mà ông H. là phụ bếp của một nhà hàng S.H tại Huế, bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản hành vi vi phạm trên khi đang tàng trữ. Ảnh: KLH

Kỳ đà vân là loài động vật hoang dã ĐVHD thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Căn cứ điểm đ, khoản 12, Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phạt ông C. V. H. số tiền 270 triệu đồng.

Ngày 30/11/2021 Tòa án nhân dân huyện Ea H'leo, ttỉnh Đắk Lắk đã tuyên án 7 năm tù cho đối tượng N. T. T (trú tại huyện Ea H'leo) vì hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép 14 cá thể kỳ đà vân và một số loài ĐVHD khác.

Được biết, tháng 7/2021, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng T và tịch thu tang vật bao gồm: 14 cá thể kỳ đà vân, 6 cá thể dúi, 2 cá thể chồn và 15 kg rắn các loại. Toàn bộ số ĐVHD trên đều do T lên rừng bẫy về bán lại cho những người có nhu cầu. T không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số ĐVHD nói trên, đồng thời cũng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép nuôi nhốt ĐVHD.

Sau loạt bài Lật mặt các địa ngục thú rừng năm 2021: Hàng chục năm tù cho các đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép - Ảnh 3.

Số động vật hoang dã phát hiện tại nhà của N. T. T. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Cùng ngày, Tòa án nhân dân huyện Cư Jút, ttỉnh Đắk Nông đã tuyên án 6 năm tù đối với bị cáo Đ. T. L (sinh năm 1946) vì hành vi tàng trữ trái phép 17 cá thể kỳ đà vân.

Trước đó, vào đầu năm 2021, cơ quan chức năng huyện Cư Jút đã tiến hành khám nhà của bà Đ. T. L và phát hiện, tịch thu tang vật là 17 cá thể kỳ đà vân bị nuôi nhốt ở sân sau của gia đình. Tại thời điểm kiểm tra, bà Đ. T. L không ở nhà và gia đình cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số kỳ đà vân nói trên.

Ngoài ra cơ quan chức năng các tỉnh mà loạt bài Lật mặt các địa ngục thú rừng -2021 đã phản ánh như Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước… đã xử lý hàng chục vụ vi phạm hành chính liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV). Trong tháng 11 vừa qua, ENV đã ghi nhận 223 vụ việc thành công liên quan đến vi phạm về ĐVHD; 70 cá thể ĐVHD được cứu hộ; 5 đối tượng bị bắt giữ và 8 đối tượng bị xử phạt hành chính số tiền hơn 160 triệu đồng; 130 tài khoản mạng xã hội bị vô hiệu hóa.

Ngày 30/11/2021 Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã tiếp tục thực hiện đợt tái thả cầy vòi mốc thứ 2 với tổng số 32 cá thể, nâng số cá thể Cầy vòi mốc được tái thả trong vòng 1 tuần qua lên 62 trong tổng số 70 cá thể cầy đủ điều kiện về với môi trường tự nhiên sau một thời gian được chăm sóc.

Tất cả số động vật được tái thả này nằm trong 100 cá thể cầy vòi mốc được VGQ Cúc Phương và SVW tiếp nhận từ Công an tỉnh Bắc Giang vào giữa tháng 4/2021 từ một vụ buôn bán, vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo thông tin từ đơn vị bắt giữ thì số động vật này có nguồn gốc từ trang trại nuôi để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, đã chuyển từ vùng biên giới phía Bắc xuống tiêu thụ và bị bắt ở Bắc Giang.

Ông Trần Văn Trường, Trưởng nhóm cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã (ĐVHD) tại SVW cho biết: Việc cứu hộ, chăm sóc và tái thả thành công 62 cá thể Cầy vòi mốc trong tuần qua là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các cán bộ chăm sóc và thú y của chúng tôi, vượt qua không ít các khó khăn và thách thức.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem