Sau mưa lũ, dân bơ vơ không nhà

Kiều Thiện - Văn Minh Thứ sáu, ngày 01/08/2014 09:12 AM (GMT+7)
Mưa lũ ảnh hưởng từ cơn bão số 2 đã đi qua cả chục ngày nay nhưng với hàng trăm con người ở 2 bản Bỉa và Cướn của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) thì cái sự bơ vơ không nhà, không cửa sẽ còn kéo dài ít nhất là chục ngày nữa…
Bình luận 0

Vất vưởng dưới nắng hè

Con đường dẫn về bản Cướn, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) vốn đã dốc, nhỏ hẹp nay lại càng chật chội, khó đi hơn bởi những đống tre, gỗ, fibro xi măng, trâu, bò và lán trại đan xen nhau dọc theo 2 bên đường. Dưới cái nắng oi bức của ngày hè, hàng chục người già, con trẻ túm tụm dưới những tán cây tránh nắng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn trời đầy vẻ lo âu. Không lo sao được khi cả trăm con người ở đây đang trong giai đoạn không nhà, không cửa.

Dưới một tán cây ở giữa bản, anh Là Văn Quân - Trưởng bản Cướn cũng đang tranh thủ làm giấc ngủ trưa sau cả chục ngày lật đật "vì việc công lẫn việc tư". Chỉ vào những người dân đang trú nắng dưới tán cây, anh Quân bảo: “Nhờ nâng cao cảnh giác trước bão số 2 nên cả 37 hộ với 176 nhân khẩu ở đây không ai chết. Bên bản Bỉa 25 hộ cũng chuyển an toàn”.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, cả 62 hộ ở 2 bản này đã dỡ xong nhà cửa, không có ai chết hoặc bị thương; đồ đạc thì an toàn nhưng từ hôm bão lũ đến nay, hàng trăm con người ở đây thành ra không nhà, không cửa, và giờ họ lại đối mặt với nỗi lo mới, đó là không có nhà ở. “Chỗ ở cũ thì không an toàn, không thể dựng lại nhà cửa được. Còn chỗ ở mới thì vẫn đang tranh cãi. Mà có lựa chọn được chỗ ở mới thì cũng phải mất ít nhất nửa tháng nữa mới dựng được nhà. Vất vưởng mãi thế này khổ lắm!”- anh Quân chia sẻ.

Cái sự "khổ lắm" mà trưởng bản Cướn trình bày lại càng rõ nét hơn khi đứng trước cái lán mới dựng chỉ rộng chừng 4-5m2 của gia đình anh Là Văn Thinh. Nhà có 4 khẩu, trong đó có 2 trẻ nhỏ. Sau khi dỡ nhà, di chuyển đồ đạc ra khỏi bản cũ, cũng như những hộ khác trong bản, anh Thinh chọn mép đường cái làm chỗ dựng lán nhưng vì mảnh đất chật hẹp và anh cũng xác định ở tạm bợ nên chỉ gác tạm mấy cây tre, đậy tấm bạt dứa lên để tránh mưa, tránh nắng.

Dùng dằng phương án tái định cư

Trưởng bản Quân chia sẻ: “Hiện nay huyện đang muốn đưa chúng tôi sang tái định cư ở bên xã Chiềng Ơn trong huyện. Chúng tôi cũng đã đến thăm rồi nhưng đất ở đấy xấu, không có đường đi. Muốn sang bên này phải đi thuyền mất vài tiếng đồng hồ. Hôm nào trời có gió thì coi như bó tay vì sóng nước cao tới cả mét, rất nguy hiểm. Lại còn việc học hành, mua bán, giao lưu hàng ngày nữa chứ. Nước sạch ở đâu?...”.



Ông Lưu Bỉnh Khiêm
  Hiện tại mật độ dân cư của Chiềng Bằng đã quá lớn, hơn nữa địa điểm người dân muốn tái định cư lại là rừng đầu nguồn của chung 6 bản nên rất khó giải quyết 
Còn anh Là Văn Thinh thì buồn rầu nói: "Mùa này nắng nóng, ngồi trong lều bị hấp hơi như cái lò nung. Nhưng khổ nhất là lúc mưa, gió tạt nước vào, ngồi dưới tấm bạt mà như ngồi ngoài trời. Mình người lớn chịu khổ còn đỡ, chỉ thương 2 đứa con mưa nắng dãi dầu. Năm học mới sắp đến rồi, chưa biết nhà ở đâu thì biết cho con đi học thế nào? Mấy chục đứa trẻ ở bản này đều thế cả. Nhìn con, cháu mà thấy xót...”.

 

Ông Lưu Bỉnh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thì khẳng định: Sau khi di chuyển dân an toàn khỏi vùng sạt lở, huyện đã có kế hoạch tái định cư cho dân ở khu vực bản Săn Có thuộc xã Chiềng Ơn, cũng gần ngay trung tâm huyện. Địa bàn này có diện tích khá bằng phẳng, khoảng 200ha, đủ điều kiện thuận lợi cho tái định cư của 62 hộ trong hiện tại và cả trong tầm nhìn phát triển nhiều năm tới. “Nhưng cả tuần nay tuyên truyền, vận động, trong số 62 hộ cần di dời của 2 bản Bỉa và Cướn thì mới chỉ có 10 hộ dân nhất trí chuyển đến nơi ở mới, còn lại vẫn muốn tái định cư tại xã Chiềng Bằng”- ông Khiêm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem