Sẽ kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

H.Anh Thứ năm, ngày 19/08/2021 19:15 PM (GMT+7)
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 03, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến 30/6/2022 thay vì 31/12/2021.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021.

Kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 6 tháng

Một trong những điểm chú ý được đề cập trong Dự thảo lần này là NHNN sẽ tiếp tục cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện:

Thứ nhất, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính tại 2 thông tư cũ).

Thứ hai, số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (quy định hiện hành theo Thông tư 03 là kéo dài đến 31/12/2021).

Sửa Thông tư 03/2021/TT-NHNN: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. (Ảnh: SBV)

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm một trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành.

Ban soạn thảo cho biết, việc bổ sung để phù hợp với nguyên tắc xây dựng của Thông tư 01 và Thông tư 03 (đã có quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các số dư nợ quá hạn trước ngày Thông tư 01 và Thông tư 03 có hiệu lực thi hành).

Báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho thấy, từ 10/6/2020 đến nay, tại 14 tổ chức tín dụng, có khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu tính trên cả hệ thống số dư nợ còn lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên, hiện tại đang chưa được cơ cấu.

Thực tế ngày 17/7/2021, TTgCP có Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó cho phép 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp; làm sụt giảm doanh thu, thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với các số dư nợ đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 17/7/2021 đến ngày dự thảo thông tư có hiệu lực thi hành (vì số dư nợ này không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 01 và Thông tư 03 để được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên dẫn đến số dư nợ này sẽ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chuyển thành nợ quá hạn).

Bên cạnh đó, việc miễn giảm phí cho khách hàng cũng được gia hạn đến 30/6/2022.

Sửa Thông tư 03/2021/TT-NHNN: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng - Ảnh 3.

Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng dự kiến được thực hiện đến ngày 30/6/2022, kéo dài thêm nửa năm so với trước đó. (Ảnh: TCB)

Không giãn trích lập dự phòng rủi ro ra 5 năm

Dự thảo Thông tư trên của Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định tại Thông tư 03, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu lại trong 3 năm, thực hiện từ năm nay.

Mới đây, Hiệp hội ngân hàng đề nghị, NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết tâm siết chặt trích lập dự phòng rủi ro.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem