"Siêu cảng" quốc tế Cần Giờ: Chuyên gia nói cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định

Vũ Quyền Thứ bảy, ngày 27/05/2023 16:27 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia lo lắng về việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ ảnh hưởng đến rừng sinh thái, sinh vật và môi trường.
Bình luận 0

Khu vực bồi lắng, xói lở nhanh

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, không nên xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Bởi đây là khu vực bồi lắng và xói lở nhanh, xây dựng cảng sẽ không hiệu quả, lãng phí và có thể phá hủy môi trường.

Theo GS Bá, vị trí đề xuất xây dựng cảng này không có độ sâu. Trong khi đó, độ bồi lắng và xói lở khu vực này rất nhanh, nhiều cảng ở khu vực Long An, Tiền Giang, các cửa sông Cửu Long cũng gặp trường hợp tương tự.

Nhiều chuyên gia trăn trở về siêu cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 1.

Chuyên gia cho rằng Cần Giờ là nơi có độ bồi lắng, xói lở nhanh. Ảnh: Mạnh Linh.

"Chỗ biển Cần Giờ, nhìn lại lịch sử đường bờ của nó, có khi tiến ra ngoài biển rất xa, khoảng mấy cây số, nhưng sau này lở dần. Cái đoạn gần bờ cũng rất cạn, trong khi muốn làm cảng thì phải sâu. Cảng nước sâu mà không có độ sâu thì làm sao làm cảng được?", GS Bá nói.

Theo GS Lê Huy Bá, cần xem lại khả năng bồi lắng. Từ năm 1920 đến nay, khả năng bồi lắng và sạt lở liên tục thay đổi. "Vùng biển khu vực này rất cạn và nông, muốn làm cảng thì phải đào sâu. Nếu làm cảng ở Cần Giờ, hàng năm sẽ đều phải nạo vét, tốn thêm chi phí rất lớn khiến lợi nhuận giảm", ông Bá cảnh báo.

Đặc biệt, GS Bá nói thêm, tại khu vực này lớp đất nền chưa ổn định, lớp đất cứng xuất hiện nông. Do đó, muốn xây cảng phải đào đủ sâu, việc này cũng gây tốn kém và dễ xảy ra trượt đất. 

Về vấn đề giao thông, ông Bá cho rằng, việc làm cảng không thể thiếu đường giao thông kết nối. "Làm đường thì không ổn, cái đường từ thành phố đi qua mũi Nhà Bè thường xuyên phải sửa vì đất yếu, xe chạy ngồi trong nhà dân cũng rung. Ngoài ra, xây thêm đường là hủy hoại môi trường, hủy diệt rừng ngập mặn", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường nhận định.

Nhiều chuyên gia trăn trở về siêu cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, xây thêm đường sẽ gây hủy hoại môi trường, tiêu diệt sinh vật, hủy diệt rừng Cần Giờ. Ảnh: Mạnh Linh.

Nhiều vấn đề đáng lo ngại về môi trường

Khi được hỏi về đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, giảng viên cao cấp Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn bày tỏ sự lo lắng.

Theo PGS Trình, để làm cảng trung chuyển quốc tế, cơ sở hạ tầng phải xây dựng một hệ thống kho bãi, cầu cảng và chưa biết Cần Giờ có đủ điều kiện để xây dựng hay không. Ngoài ra, nếu xây dựng được, ngoài việc phá rừng phòng hộ, có thể ảnh hưởng khá lớn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.

PGS Trình cho biết, trong đề án của bên tư vấn, giai đoạn đầu trung chuyển bằng đường thủy, giai đoạn 2 sẽ có kết nối đường bộ. Nhưng thực tế, một cảng trung chuyển quốc tế không thể chỉ đi bằng đường thủy, phải có hệ thống đường bộ và đường sắt.

"Ở đó (vị trí đề xuất xây cảng – pv), đường sắt không kết nối ra được, đường bộ hiện nay chưa có, giai đoạn hai dự kiến làm đường bộ. Tuy nhiên, khó làm đường qua Rừng Sác để kết nối ra cảng. Bởi nếu làm phải phá rừng, mà rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Trường hợp đi trên cao, cũng vẫn phải phá rừng", PGS Trình phân tích.

Nhiều chuyên gia trăn trở về siêu cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 3.

Đường Rừng Sác là tuyến đường độc đạo nối Cần Giờ và TP.HCM. Ảnh: Anh Tú.

Đường Rừng Sác rất yếu vì thuộc khu vực rừng ngập mặn, hiện có ít xe chạy và chủ yếu là các xe du lịch, đường còn chịu được. Nếu để xe container chạy thì phải gia cố đường. Chưa kể, tiếng ồn của xe container sẽ làm cho các loại muông thú đi mất, phá vỡ hệ sinh thái nơi đây, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị lo ngại.

Về lượng hàng hóa đi về nếu cảng trung chuyển quốc tế được hình thành còn nhiều điểm cần xem xét. 

"Nếu cảng làm để đón đầu kênh Kra (kênh đào cắt ngang eo đất Kra (Thái Lan), nối liền Ấn Độ Dương và vịnh Thái Lan - PV) thì phải xây cái cảng ở Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau. Khi đó, tàu quốc tế sẽ cập cảng ở Hòn Khoai và trung chuyển ở đó. Các tàu không rẽ về Cần Giờ, như vậy lượng tàu, hàng hóa nơi đây dự kiến không nhiều", PGS Trình nói.

Ông Trình còn cho rằng, xung quanh TP.HCM đã có cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) là cảng nước sâu, chỉ cần hoàn thiện, xây thêm kho chứa container, xây đường cao tốc, làm thêm đường sắt kết nối thay vì làm cảng ở Cần Giờ.

TP.HCM muốn phát triển thành trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam bộ, cần phân công cho các tỉnh thành trong khu vực. Thành phố chỉ cần làm những dịch vụ khác như dịch vụ tài chính, công nghệ cao, thương mại… Liên kết vùng nên là phân công lao động trong vùng, nơi nào có thế mạnh nào thì phát triển cái đó. 

"Bây giờ, TP.HCM nên phát huy hiệu quả các cảng sẵn có, đầu tư bài bản hơn, hệ thống đường dẫn kết nối tốt, giảm bớt việc kẹt xe giúp việc vận chuyển đỡ mất thời gian hơn, PGS Trình đề xuất.

PGS Trình cho biết thêm, hiện đã có khu lấn biển, nếu thêm cảng trung chuyển quốc tế thì môi trường nơi đây có nguy cơ bị phá vỡ vì chật cứng người. Rừng Cần Giờ là lá phổi của hàng chục triệu dân thành phố và các tỉnh lân cận, nếu làm cảng nữa sẽ phá vỡ hết. Ngoài ra, nếu lấn biển, phá vỡ dòng chảy sẽ cực kỳ nguy hiểm vì không biết nước sẽ xoáy đi đâu, khi bê tông hóa lên, dòng chảy sẽ khác, xoáy vô những cái khác như ở miền Tây bây giờ. 

"Biến đổi khí hậu đang rất kinh khủng, nếu mà mình làm không khéo dẫn đến phá vỡ môi trường tự nhiên. Mình phát triển bất chấp, tương lai con cháu của mình sẽ lãnh hậu quả", PGS Trình trăn trở.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, cần phải nghiên cứu thật kỹ, không nên vội vàng trong việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

"Thành phố nên cân nhắc thật kỹ trước khi ra quyết định về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ", ông Hoà nói và nhận xét thêm: "Số tiền đó quá lớn, đó là tiền thuế của dân, tiền của dân".

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, số tiền dự kiến của dự án là 5,45 tỷ USD và có thể bị đội vốn lên 10 tỷ USD khi hoàn thành. Đồng thời, thành phố nên lấy kinh nghiệm của cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong để làm bài học. Bởi dự án đó cũng dự kiến đầu tư 3,6 tỷ USD nhưng cuối cùng bỏ ngang.

"Trước khi quyết định, thành phố nên thận trọng tham khảo thêm nhiều chuyên gia hơn. Thậm chí, thành phố nên dịch đề án này sang tiếng Anh, chuyển cho một số chuyên gia nước ngoài để thẩm định sơ bộ, đánh giá. Bởi nếu chúng ta không cẩn thận trước khi quyết định, tới khi làm xong mới đặt vấn đề về hiệu quả thì trở thành vô nghĩa", TS Nguyễn Minh Hòa chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem