Giống lợn này đã được TS Võ Văn Sự - nguyên Trưởng bộ môn Đa dạng sinh học và Bảo tồn động vật quý hiếm của Viện Chăn nuôi Quốc gia (CNQG) tình cờ phát hiện trong một chuyến công tác tại Hà Giang (năm 2005).
|
Lợn hung Sìn Hồ. Ảnh: BLC |
Sau đó, giống lợn hung này còn được tìm thấy rải rác một số khu vực ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một số tỉnh phía Bắc, nhưng tập trung nhiều nhất là ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Theo TS Võ Văn Sự, ước tính hiện nay cả nước chỉ còn 200 con, trong đó riêng ở Sìn Hồ cũng chỉ còn khoảng 30 con, tập trung ở 2 xã vùng cao là Hồng Thu và Phìn Hồ.
Trước sự nguy cấp của giống lợn hung quý này, năm 2009, Viện CNQG đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ triển khai thí điểm thành công việc nuôi, bảo tồn giống lợn này tại 2 bản Phìn Hồ và Seo Lèo 1 của xã Phìn Hồ.
Lợn hung thuộc giống ăn tạp, dễ nuôi, khả năng chống chọi dịch bệnh tốt, không tiêu tốn thức ăn, chuồng trại nuôi đơn giản, chủ yếu nuôi thả rông.
Tuy nhiên, theo anh Hà Huy Hoàng - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Sìn Hồ, sau khi thí điểm thành công, dựa trên khuyến cáo bảo tồn giống lợn hung của Viện CNQG gửi về, Trạm Khuyến nông Sìn Hồ cũng đã hướng dẫn bà con giữ giống đực để phối giống tạo ra dòng thuần chủng. Nhưng do không có kinh phí hỗ trợ nên bà con vẫn nuôi theo hướng tự phát. Vì vậy, giống lợn này hiện bị lai tạp nhiều. Trước mắt, địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể nào để bảo tồn hiệu quả giống lợn hung này.
Làm rõ vấn đề này, Viện CNQG cho biết, cũng đã xây dựng đề cương Bảo tồn và phát triển giống lợn hung tại Sìn Hồ trình Bộ NNPTNT, nhưng vì nhiều lý do khách quan, đến nay vẫn chưa được xét duyệt.
Được biết, trong thời gian chờ đợi, Viện sẽ chủ động gửi công văn đề nghị tỉnh Lai Châu và huyện Sìn Hồ ứng trước kinh phí để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của giống lợn hung quý, theo Luật Đa dạng sinh học đã quy định rõ, mọi cấp liên quan phải cùng có trách nhiệm bảo tồn.
Liên Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.