Sống chậm, hẻm nhỏ phố cổ Hội An

Thứ ba, ngày 31/12/2013 09:36 AM (GMT+7)
Chiều đông, thành phố bắt đầu lãng đãng hơi sương. Mùi khoai lang nướng ngọt ngào phả trong gió, vài cậu bé Tây tóc vàng hoe bước vội qua phố, dưới cái nắm tay đầy hạnh phúc của những đôi vợ chồng.
Bình luận 0
Phố cổ Hội An trầm mặc, trong một màu áo mới cuối năm. Màu xanh của rêu phong cổ kính vẫn bám đầy trên các vách tường, mái ngói.

Du khách thường dạo qua những con hẻm.
Du khách thường dạo qua những con hẻm.

Những cụ già râu tóc bạc phơ, đang ngồi bắt ghế đẩu trong hẻm, phì phà điếu thuốc ngẫm những điều đã qua trong cuộc đời. Và cả những em bé vẫn nói cười hồn nhiên, mắt đen lúng liếng, mặc cho chiều tà sắp buông. Bên cạnh những khách sạn lộng lẫy, huy hoàng, với những nhân viên mặc áo dài thướt tha, đâu đó ở Hội An, những con hẻm nhỏ vẫn nằm lặng lẽ hàng thế kỉ, như nghe ngóng bước chân của thời gian, để chờ đợi một điều gì đó.

Hàng rong trong hẻm.
Hàng rong trong hẻm.

Và những con hẻm nhỏ đã làm nên nét đẹp của hồn người, hồn đất Hội An. Ngày cuối năm, dặn lòng phải biết “sống chậm” để lắng nghe, cảm nhận hương vị của cuộc sống ở phố cổ. Tôi rảo bước qua các con hẻm nhỏ ở Hội An, những con hẻm nằm thẳng tắp, nhỏ nhắn, xinh xắn như những cô thôn nữ duyên dáng, thẹn thùng. Những con hẻm chật hẹp, nhưng chở trên mình bao nét đẹp về văn hóa nghìn năm.

Hẻm đầy rêu phong.
Hẻm đầy rêu phong.

Điểm chung của tất cả các con hẻm ở phố cổ Hội An là đều nằm thẳng tắp thông hai đầu, vắng vẻ và rất...sạch sẽ! Và tất cả các con hẻm đều thông ra dòng sông Hoài thơ mộng, thích hợp với việc buôn bán của người Trung Hoa ngày xưa.

Và ngày nay, những con hẻm là nơi để nhiều người du khách thong dong cuốc bộ vào mỗi đêm rằm, để lắng nghe hơi thở của đất trời Hội An. Hẻm nhỏ cũng là nơi những quang gánh, những tiếng rao được cất lên bởi gánh nặng của mưu sinh, của cuộc đời, và đó cũng là thói quen, là nét đẹp truyền thống của những người phụ nữ Hội An chịu thương, chịu khó.

Hẻm nhỏ chỉ vừa chiếc xe đạp.
Hẻm nhỏ chỉ vừa chiếc xe đạp.

Những mảng rêu bám đầy, xanh rì như phần nào đó đã tạo nên nét đẹp cổ kính cho từng con hẻm ở Hội An. Dù là những gian hàng buôn bán tấp nập du khách, dù là những ngôi nhà cổ nằm im lìm với cánh cửa gỗ đóng vội, thì những con hẻm đều chạy dọc, nằm san sát với nhà cửa, hàng quán.

Và hẻm, cũng được xem là “cửa sau” trong quan niệm của người Hội An. Đó cũng là một nét đẹp mang giá trị văn hóa. Khi người con gái, chẳng may mang bầu trước lễ cưới thì cửa sau, chính là những con hẻm để các mẹ dẫn dắt nàng dâu về, mà không qua cửa chính. Hay những gì kém sạch sẽ, thì được mang từ ngõ sau vào nhà, thông qua các con hẻm. Chứ không được vào trực tiếp ngay cửa trước. Và hàng trăm câu chuyện nữa gắn với hai chữ “cửa sau”, ngõ hẻm của đất và người Hội An.

Hẻm vắng.
Hẻm vắng.

Thả hồn mình phiêu du cùng những con hẻm, với những cái tên hẻm quen thuộc. Và mỗi cái tên gắn với mỗi con hẻm, dường như có một “chức năng”, một “nhiệm vụ” riêng. Đó là hẻm Sica, ngày xưa đây là nơi chứa kho rượu của người Pháp, khi định cư ở Hội An để phục vụ cho mục đích xâm lược.

Hẻm Bá Lễ có giếng cổ Bá Lễ hơn 1000 năm tuổi của người Chăm xưa, được xem là “giếng thiêng” của một thời và là hẻm có bán những món ăn nổi tiếng của người Hội An như Cao Lầu, bánh xèo, mỳ Quảng...Hẻm Nhị Trưng có giếng nước cổ rêu phong được nhiều người trong phố gánh về nhà, dùng làm nước sinh hoạt.

Và mỗi con hẻm đều là nơi dừng chân cho các du khách, cho những ai muốn thả hồn để “sống chậm” hơn một chút, để tận hưởng những hương vị thời gian trôi qua từng khắc, từng ngày ở Hội An.
Thanh Trâm (Thanh Trâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem