ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).
Phát biểu trước Quốc hội vào thời gian cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã đề cập đến thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm ngày càng phổ biến trong xã hội.
Dẫn chứng sự việc Công ty CP Nước sạch Sông Đà lấy nước từ nguồn không an toàn về bán cho dân trong thời gian nhiều năm, nhưng không một ai lên tiếng cảnh báo, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã phải cảm thán: "Vô cảm lâu dài đến thế là cùng!”.
Từ đây, đại biểu Trí đã nêu 3 đề xuất nhằm ngăn chặn thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trong xã hội. Thứ nhất, khi xây dựng Luật, Quốc hội cần xem xét quy định ngăn chặn thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm.
Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất để người dân phát hiện, tố cáo những người có thái độ và hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm.
Thứ ba, tại Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ diễn ra vào năm 2020, không để những người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền.
ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau).
Nhìn nhận sự cố ô nhiễm nước tại Hà Nội ở khía cạnh quản lý Nhà nước, ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) cho hay: “Sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước ở Hà Nội vừa qua… cho thấy công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở, ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân”.
Đồng thời, ĐBQH Thái Trường Giang đặt câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu vừa rồi, chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác?”
Ông Giang cho rằng, đã tới lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Thủy lợi 2017; triển khai quy hoạch vùng liên quan tới lưu vực sông và có giải pháp kịp thời bảo vệ nguồn nước cung cấp cho người dân.
Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành chủ động ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại các địa phương.
ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang).
Còn theo thông tin từ ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang), năm 2018, tới 74% người dân quan tâm và bức xúc vì ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, việc đầu tư xử lý nước thải tại các địa phương chưa kịp thời, mới có 12,5% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý, 46,5% địa phương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ xả thải trực tiếp cao. Ngoài ra, quy định dành 1% chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ đầy đủ ở nhiều nơi.
"Ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra đáng lo ngại, trong khi sự cảnh báo của chính quyền chưa kịp thời, gây lo lắng cho người dân", ĐBQH Ngô Sách Thực nói.
Theo đại biểu Thực, các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc xả thải. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn về môi trường; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.